Huyện Hậu Lộc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

08:17 - 24/03/2023

Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một vùng đất cổ, có nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể lâu đời. Đây là cơ sở quan trọng để khai thác, xây dựng các điểm đến du lịch văn hóa tâm linh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ bao đời nay, Cụm di tích cấp tỉnh chùa - nghè Diêm Phố, nằm trên địa bàn xã Đa Lộc, do Ủy ban nhân dân xã Ngư Lộc quản lý là một quần thể di tích thờ tự phong phú, gắn với lịch sử khai ấp, lập làng và phát triển nghề đi biển của ngư dân vùng Diêm Phố xưa; bao gồm: Nghè Thánh Cả; chùa Liên Hoa; đền thờ thần Cá Ông; miếu tưởng niệm 334 ngư dân của làng tử nạn trên biển trong trận bão lớn, năm 1931 và đền thờ Nẹ Sơn. Các điểm thờ tự được xây dựng chung trong một quần thể kiến trúc hài hoà về không gian, cảnh quan. Tại đây, hàng năm, từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 24 tháng 2 Âm lịch, xã Ngư Lộc tổ chức lễ hội Cầu Ngư - lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa. Cụm di tích chùa - nghè Diêm Phố đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Huyện Hậu Lộc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Ông Vũ Huy Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đảng ủy, UBND đã xây dựng kế hoạch phát huy giá trị di tích; hàng năm chúng tôi sẽ đầu tư vào khu di tích, kết nối giữa các vùng, miền trong tỉnh, như tham quan đảo Nẹ, xuống Hải Tiến, tham quan di tích thờ mẹ Tơm, qua đó, giúp người dân hiểu hơn về văn hóa vùng biển".

Huyện Hậu Lộc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Huyện Hậu Lộc có gần 130 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử cách mạng, khảo cổ...

Trên địa bàn huyện Hậu Lộc có gần 130 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử cách mạng, khảo cổ...; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, ở xã Triệu Lộc. Cùng với đó, huyện có trên 30 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm; tiêu biểu nhất phải kể đến các lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: lễ hội Bà Triệu, lễ hội Cầu Ngư. Để giữ gìn, phát huy giá trị di sản, huyện Hậu Lộc thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích và khôi phục các lễ hội truyền thống. Hơn 10 năm qua, huyện đã huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo gần 20 di tích với kinh phí trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, các di tích quan trọng như Cụm di tích chùa - nghè Diêm Phố, Đền Đức Thánh Cả, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh; Khu lưu niệm đồng chí Lê Hữu Lập, Nhà lưu niệm Mẹ Tơm... đều đã được trùng tu, tôn tạo, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương.

Huyện Hậu Lộc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc: "Đa Lộc có 2 di tích cấp tỉnh, chúng tôi đang tập trung huy động nguồn lực, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tăng cường đầu tư xây dựng, duy trì, phát triển 2 khu văn hóa tâm linh. Xã cũng tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân về kỹ năng giao lưu, giới thiệu ý nghĩa các di tích trên địa bàn xã cho du khách".

Trong Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hậu Lộc xác định rõ: phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn. Với lộ trình và những bước đi cụ thể, tin rằng, huyện Hậu Lộc sẽ đạt mục tiêu đón khoảng 100 nghìn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 15 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 24/3