Huyện Ngọc Lặc nỗ lực phát triển các sản phẩm OCOP

14:50 - 22/12/2022

Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Lặc nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND huyện Ngọc Lặc đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP; rà soát, đánh giá các thế mạnh của địa phương; ban hành các văn bản chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, Ngọc Lặc đã xây dựng thành công 6 sản phẩm OCOP là Dưa kim hoàng hậu 369, Miến dong Hương Ngọc, bột sắn dây Hương Quê, gạo nếp hạt cau Thạch Lập, mật mía Phúc Long và mật ong Kiên Thọ.

Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia; chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã QRcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm trực tuyến...

Huyện Ngọc Lặc nỗ lực phát triển các sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Mô hình dưa kim hoàng hậu của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc hiện có 18 thành viên, với 3 thành viên thuộc Hội đồng quản trị. Từ tháng 2 năm 2019, thực hiện chương trình hợp tác với Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ tiến hành trồng dưa kim hoàng hậu theo tiêu chuẩn Global Gap, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí an toàn thực phẩm. Đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 0,5 ha nhà lưới, với tổng số tiền đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng.

Mỗi năm, Hợp tác xã canh tác 3 vụ, thu hoạch khoảng 35 tấn dưa kim hoàng hậu. Tháng 9 năm 2021, sản phẩm dưa kim hoàng hậu 369 của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu của sản phẩm, tạo dựng niềm tin trong lòng khách hàng. Hiện, dưa kim hoàng hậu 369 đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh thành khác trong cả nước.

Miến dong là sản phẩm nổi tiếng của người dân xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc. Để xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm này, xã đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất lên đến 20ha.

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Công- đơn vị sản xuất miến chủ lực của xã Ngọc Liên đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu làm sạch nguyên liệu, ủ bột, tráng bánh, cán sợi và đóng gói. Trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Công đặc biệt chú trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, miến không được cho thêm bất cứ phụ gia nào.

Huyện Ngọc Lặc nỗ lực phát triển các sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Để nâng cao thẩm mĩ cho sản phẩm, Hợp tác xã Thành Công cũng chú trọng đến khâu đóng gói, bao bì. Miến dong được đóng theo quy cách chuẩn chỉnh, với trọng lượng 500 gram hoặc 1 kg một túi. Với việc được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Miến dong Hương Ngọc không chỉ được bán trong tỉnh, mà đã vươn tới nhiều thị trường tiềm năng, như Hà Nội, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh… Xã Ngọc Liên cũng tập trung hỗ trợ người dân đưa sản phẩm miến dong của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

Ngoài miến dong Hương Ngọc, bột sắn dây Hương Quê cũng là sản phẩm đã được công nhận OCOP của xã Ngọc Liên. Cây sắn dây là một trong những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của xã. Sắn dây thường được trồng 1 vụ/năm, với năng suất từ 850 - 900 kg củ tươi/sào. Ngoài việc bán sắn tươi, nhiều hộ dân Ngọc Liên đã chế biến củ thành tinh bột. Mỗi sào trồng sắn dây thường sẽ cho 1,8 tạ tinh bột khô. Hiện, sắn dây Hương Quê đang khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hiện nay, huyện Ngọc Lặc cũng đang tiếp tục tập trung xây dựng một số sản phẩm như vải thổ cẩm Cao Ngọc, mật mía… Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ chứng nhận OCOP; tạo điều kiện để doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh..., nhằm giúp các sản phẩm này đủ điều kiện và sớm được chứng nhận OCOP.

Huyện Ngọc Lặc nỗ lực phát triển các sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

 Mô hình dệt thổ cẩm truyền thống của bà Phạm Thị Bảo được xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc tập trung xây dựng thương hiệu OCOP. Để đảm bảo các tiêu chí của Chương trình, cơ sở ngày càng được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động; có hàng chục khung dệt tập trung, thu hút 43 thành viên trong xã tham gia. Mỗi năm, hàng ngàn sản phẩm do cơ sở sản xuất được xuất bán tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là vùng có đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần không nhỏ thúc đẩy nền nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn của huyện miền núi Ngọc Lặc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 ( nhiệm kỳ 2021-2025) đề ra 6 chương trình trọng tâm, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi của tỉnh. 

Sự ra đời của các sản phẩm OCOP ở khu vực miền núi sẽ thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa, đưa kinh tế xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

 

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 1.12