Huyện Nông Cống du nhập nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

18:14 - 07/12/2022

Cùng với việc duy trì các ngành nghề truyền thống, những năm gần đây, huyện Nông Cống đã khuyến khích các địa phương du nhập, nhân cấy nghề mới. Đây được xem là giải pháp trọng tâm để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, hạn chế tình trạng "ly nông, ly hương".

Huyện Nông Cống có số người trong độ tuổi lao động khá đông. Để giải quyết việc làm, những năm qua, huyện đã tích cực chuyển đổi ngành nghề nông thôn, du nhập thêm các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân về đầu tư sản xuất tại địa bàn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân truyền nghề, đào tạo nghề tại địa phương; hỗ trợ các lao động tham gia học nghề mới… Từ năm 2021 đến nay, huyện Nông Cống đã có hơn 10 doanh nghiệp và hợp tác xã du nhập về địa phương các ngành nghề mới như: mây tre đan xuất khẩu, may túi xuất khẩu, chế biến... Các doanh nghiệp, hợp tác xã này đã trực tiếp đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 5000 lao động.

Huyện Nông Cống du nhập nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Ông Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện đã xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở tiểu thủ công nghiệp; tạo mặt bằng để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu đầu tư và thu hút lao động; ban hành cơ chế hỗ trợ các ngành nghề mới vào để thu hút lao động nông thôn. Đáng chú ý là chúng tôi đã dịch chuyển một bộ phận lớn lao động từ tỉnh ngoài về làm việc tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội".

Nhờ duy trì, phát triển tốt các ngành nghề truyền thống kết hợp du nhập, nhân cấy nghề mới, huyện Nông Cống đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho hơn 70% số dân trong độ tuổi lao động. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Nguồn: Bản tin THNM 7/12