Huyện Nông Cống hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động từ tỉnh ngoài trở về

20:16 - 27/09/2021

(TTV)- Trong đợt dịch Covid – 19 lần thứ tư, Nông Cống là địa phương có số lượng lao động từ tỉnh ngoài về nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa. Trong số đó, nhiều lao động có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương. Hiện nay, huyện Nông Cống đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Những ngày này, các cán bộ xã Công Liêm, huyện Nông Cống đang tích cực đến các hộ dân trên địa bàn để khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, việc làm của người lao động trở về từ tỉnh ngoài. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền về các chương trình học nghề, việc làm, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để người lao động kịp thời nắm bắt và tìm được 1 công việc phù hợp. Trong số 1821 công dân xã Công Liêm về từ tỉnh ngoài, có khoảng 750 lao động có nhu cầu làm việc tại địa phương với các ngành nghề chủ yếu: may mặc, giầy da, chế biến lương thực, thực phẩm và xây dựng.

Là địa phương có số lượng lao động từ tỉnh ngoài về nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, khoảng trên 12.300 lao động. Trong đó, có khoảng 4.300 lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm tại địa phương. Ngay từ khi đón công dân về, huyện Nông Cống đã thống kê, phân loại lao động cần được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc có nhu cầu việc làm tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề, tìm kiếm việc làm; Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch. Đặc biệt, huyện chủ động liên kết, đấu mối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và thông báo, hướng dẫn cho lao động tìm kiếm việc làm phù hợp.  

Từ nay đến cuối năm 2021, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nông Cống có nhu cầu tuyển dụng trên 4.000 lao động; chủ yếu là lao động phổ thông trong các ngành nghề: may mặc, giày da và chế biến lương thực, thực phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho người lao động trên địa bàn, nhất là những lao động từ tỉnh ngoài trở về địa phương có thể tìm được 1 công việc phù hợp, sớm ổn định cuộc sống.

Theo Hồng Tư – Minh Quang/Thời sự tối 27/9/2021