Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn

07:06 - 16/08/2023

Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có lực lượng lao động chiếm gần 70% dân số. Để giải quyết việc làm cho người dân, những năm qua, huyện đã quan tâm duy trì và phát triển các ngành nghề nông thôn. Nhờ đó, đã giải quyết được việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và ổn định tình hình chính trị ở địa phương.

Đây là năm thứ 5, chị Lê Thị Duyên, ở xã Vạn Thiện gắn bó với nghề chao đèn lồng. Với nghề này, chị có thể tranh thủ làm những lúc nhàn rỗi, có thời gian để chăm sóc con cái. Là thợ lành nghề, xử lí các khâu kỹ thuật cao nên trung bình mỗi tháng, chị Duyên có thu nhập từ 6-7 triệu đồng.

Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn - Ảnh 2.

 Cùng với chị Duyên, hiện nay hơn 3000 lao động, chủ yếu chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Nông Cống đang có mức thu nhập ổn định 4-7 triệu đồng từ nghề mây tre đan.

Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn - Ảnh 3.

Anh Phạm Quang Thắng Giám đốc Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp An Phúc Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Anh Phạm Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp An Phúc Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm 2021 chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn xã và một sô xã lân cận. Sắp tới Hợp tác xã muốn mở rộng duy trì các đơn hàng để bà con có việc làm ổn định".

Nông Cống hiện có 9 làng nghề, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh, như: Làng nghề nón lá, chiếu cói và các sản phẩm từ cói, sản xuất miến gạo, đan đèn lồng... tạo việc làm cho gần 6 nghìn lao động. Bên cạnh hoạt động của các làng nghề, Nông Cống còn có hơn 4 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động.

Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn - Ảnh 4.

Để phát triển ngành nghề truyền thống, huyện đã khuyến khích các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, mở rộng quy mô các nghề, thu hút lao động. Việc phát triển các làng nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn - Ảnh 5.

Ông Đồng Khắc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Đồng Khắc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Giải quyết việc làm là một trong những tiêu chí để lãnh đạo địa phương tập trung, vận động nhân dân tham gia các nghề sẵn có tại địa phương để tăng thu nhập, đời sống. Xã tạo điều kiện về mặt bằng, thu hút lao động, đồng thời đầu tư hỗ trợ tiền ăn và học tập cho người lao động".

Nhờ duy trì và phát triển tốt các ngành nghề nông thôn, huyện Nông Cống đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho hơn 70% người dân trong độ tuổi lao động. Huyện Nông Cống đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ giải quyết việc làm mới cho 15.000 lao động nông thôn.

Huyện Nông Cống phát triển các ngành nghề nông thôn - Ảnh 6.

Nguồn: THNM 16/8/2023