Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

10:45 - 25/04/2023

Ngày 11/1/2029, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, trong những năm vừa qua, huyện Thạch Thành đã tập thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tích tụ tập trung đất đai. Sau hơn 4 năm thực hiện, huyện Thạch Thành đã đạt được kết quả quan trọng trong tích tụ, tập trung đất đai, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tư, ở thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thành Thành trồng mía trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay, gia đình ông đã tích tụ, tập trung được 2 ha mía trên một cánh đồng rộng lớn. Nhờ đó, việc thâm canh cây mía, nâng cao hiệu quả cũng thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Ông Nguyễn Ngọc Tư, thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thành Thành cho biết: " Hai ha mía sản xuất tập trung như thế này đã giúp gia đình tôi có điều kiện tập trung thâm canh, chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học được thuận tiện, không phải mất nhiều chi phí đi lại, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả".

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Tại xã Thành Trực, những năm trước đây có khoảng hàng nghìn hộ dân trồng mía. Do giá mía xuống thấp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên cây mía không mang lại hiệu quả. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của diện tích mía nguyên liệu, phát huy lợi thế vùng đất bãi ven sông, xã Thành Trực đã tuyên truyền vận động các hộ dân tích tụ, tập trung đất đai. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được vùng mía nguyên liệu quy mô lớn trên 70 ha, với khoảng 30 hộ dân tham gia trồng mía. Việc canh tác trên cánh đồng lớn đã tạo điều kiện thuân lợi cho các hộ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, từ đó đã nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả của cây mía.

Ông Quách Công Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thành Trực, huyện Thạch Thành cho biết: "Hiện nay, xã Thành Trực có trên 320 ha mía, trong đó đã tích tụ được 70 ha. Để thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân. Nhờ đẩy mạnh tích tụ tập trung diện tích mía sản xuất quy mô lớn đã nâng cao năng suất mía so với diện tích không được tích tụ từ 15 đến 20 tấn. Với giá mía hiện nay bà con đã yên tâm gắn bó trong việc trồng mía".

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả cao, trong những năm qua, huyện Thạch Thành đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã nhằm vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tổ chức thực hiện. Huyện đã phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình, điển hình về tích tụ, tập trung đất đai. Qua đó, đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và bà con nông dân trong tích tụ ruộng đất.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thành còn tập trung huy động các nguồn lực; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Từ chủ trương sát đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mang lại hiệu quả , tại các địa phương, việc tích tụ, tập trung đất đai, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đang được đẩy mạnh.

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, nhờ đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ nên đến thời điểm này trên địa bàn xã đã hình thành  được 15 vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 240 ha. Đến nay, sản lượng cây ăn quả các loại của xã đạt khoảng 4 nghìn tấn. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt, đầu ra và giá trị thu nhập từ cây ăn quả rất ổn định, góp phần nâng cao giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt khoảng 130 triệu đồng. 

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Thạch Thành đã tích tụ, tập trung được trên 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Cũng từ đó, hình thành được các vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như: công nghệ tưới tiết kiệm áp dụng hệ thống tưới Iraen, hệ thống tưới pest, sử dụng phân bón thông mình, phân hữu cơ sinh học trên các loại cây ăn quả. Đặc biệt, huyện Thạch Thành đã xây dựng được vùng cam ứng dụng công nghệ cao với diện tích 105 ha, sản lượng đạt 20 đến 25 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng/ha; vùng bưởi 40 ha, sản lượng đạt 15 đến 20 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng/ha; vùng ổi 30 ha, sản lượng đạt 25 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng. Bà Đinh Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành cho biết việc tích tụ tập trung đất đai đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các vùng cây ăn quả được hình thành, trình độ thâm canh của người dân được nâng lên, nhờ đó người dân đã có thu nhập cao hơn so với một đơn vị diện tích.

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Thạch Thành vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đó là: Hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi, hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất quy mô lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thạch Thành chủ yếu các doanh nghiệp, chủ trang trại thuê lại đất của nông, lâm trường và đất UBND xã quản lý, nên không thể thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 192 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, huyện Thạch Thành đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Huyện Thạch Thành đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 7.

Ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết, huyện Thạch Thành cũng đang kiến nghị với tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ việc tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất hiệu quả.

Huyện Thạch Thành sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục đổi điền, dồn thửa, khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tự thoả thuận, thuê lại đất của các hộ không còn nhu cầu, không có khả năng sản xuất để đầu tư sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Kết hợp huy động nguồn đầu tư của nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp và Nhân dân để thực hiện nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng để việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao một cách hiệu quả.

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 20.4.2023