Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ

21:00 - 10/07/2023

Hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ đã hơn nửa thế kỷ, giấy báo tử gửi về gia đình hơn 10 năm nay, phần mộ cũng đã được xác định, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng hàng trăm trường hợp thanh niên xung phong chưa được công nhận là liệt sỹ. Đây là những trăn trở, là nỗi niềm đau đáu của thân nhân, của những đồng chí, đồng đội đang sống. Họ vẫn tiếp tục hành trình “đi tìm nơi gỡ nút thắt” những vướng mắc trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đối với người có công với cách mạng với hy vọng, người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc sẽ có một ngày được Tổ quốc ghi công.

Ông Lê Đình Trác, sinh năm 1934 ở xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ năm 1952. Đến năm 1955, khi đang đi làm nhiệm vụ, ông bị nước lũ cuốn trôi. Năm 2010 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã gửi giấy báo tử về gia đình. Giấy báo tử nêu rõ, ông Lê Đình Trác là chiến sỹ thanh niên xung phong  đơn vị C413 - Đội 40, hy sinh ngày 12/4/2055 do nước cuốn trôi trong khi phá thác mở đường chiến lược. 

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 2.

Thi hài ông được mai táng tại Nghĩa trang Thanh niên xung phong xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Từ khi nhận được giấy bảo tử đến nay, gia đình ông Trác đã nhiều lần làm hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền  công nhận ông Lê Đình Trác là liệt sỹ, thế nhưng vẫn chưa được giải quyết. 

Hiện nay, cha mẹ và  anh em ruột thịt của ông Trác đều không còn. Người thờ cúng ông Trác là cháu ruột Lê Đình Thanh hiện cũng đã tuổi cao sức yếu. Mong mỏi lớn nhất của gia đình ông Thanh là được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công và công nhận ông Lê Đình Trác là liệt sỹ, đáp ứng duy nguyện của ông bà thân sinh ông Lê Đình Trác trước khi qua đời.

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 3.

Ông Lê Đình Thanh Thôn, Đồng Thanh, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Đình Thanh, Thôn Đồng Thanh, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi là thế hệ sau, chú tôi đã đi thanh niên xung phong trong giai đoạn chống Pháp đến nay gần 70 năm rồi, đến bây giờ chưa được hưởng chế độ gì. Giờ gia đình rất tha thiết các cơ quan nhà nước giúp đỡ để chú tôi được công nhận là liệt sĩ".

 Hơn 10 năm ngược xuôi làm các thủ tục để thân nhân được công nhận là liệt sỹ nhưng vẫn chưa được giải quyết, gia đình anh Hoàng Văn Ân ở Tiểu khu Tập Cát 1, thị trấn Nông Cống quyết tâm sẽ đi đến cùng để thanh niên xung phong Hoàng Văn Đỗ  được Tổ quốc ghi công. Khi mới tròn 20 tuổi, ông Hoàng Văn Đỗ, nguyên quán xã Minh Thọ, huyện Nông Cống đã theo tiếng gọi của Tổ quốc tham gia thanh niên xung phong. 

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 4.

Năm 1955, ông Đỗ hy sinh tại Công trường 111 do núi sập trong khi mở đường chiến lược. Sau khi nhận được giấy báo tử, gia đình ông Đỗ đã làm hồ sơ để ông được công nhận là liệt sỹ, nhưng vướng mắc lớn nhất là hồ sơ giấy tờ của ông Đỗ đều được ghi là Hoàng Văn Đỗ, riêng phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang tỉnh Lai Châu lại ghi là liệt sỹ Hoàng Đỗ.

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 5.

Theo thống kê của Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm hồ sơ thanh niên xung phong đề nghị được công nhận là thương binh, liệt sỹ đang còn tồn đọng chưa được giải quyết. Đây là những người thật, việc thật đã được Hội kiểm tra, xác minh rõ về hoàn cảnh, thời gian tham gia thanh niên xung phong, những cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 6.

Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh và Hội Cựu Thanh niên xung phong cấp huyện, cấp xã đã hỗ trợ các gia đình thực hiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước cũng như phản ánh những mong muốn, kiến nghị và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sớm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời giải quyết những hồ sơ đã tồn đọng lâu năm.

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 7.

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay còn khoảng 100 hồ sơ thương binh, liệt sĩ ở chiến trường chống Pháp và 250 hồ sơ liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ đang còn tồn đọng chưa được công nhận. Vấn đề này rất mong các cấp, các ngành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn các thân nhân nhanh chóng làm hồ sơ để hưởng chính sách của nhà nước".

Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta đã chiến thắng vang dội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên xung phong. Bằng sức trẻ, tinh thần xung kích, quả cảm, nhiều thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc. 

Hy sinh gần 70 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ - Ảnh 8.

Với tất cả sự hy sinh cao đẹp đó, họ có quyền được Tổ quốc ghi công, con cháu họ có quyền được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những giải pháp nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, sớm giải quyết những tồn đọng trong thực hiện chính sách cho thanh niên xung phong bị thương hoặc hy sinh trong chiến tranh.


Nguồn: Hộp thư truyền hình 10/7/2023