Khắc ghi lời Bác

17:22 - 11/02/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời phấn đấu, hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng Người vô cùng giản dị, gần gũi, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Hơn ai hết, những người có may mắn được gặp Bác cảm nhận rất sâu sắc về điều này. Kỷ niệm về Bác luôn là điểm tựa thiêng liêng, thôi thúc mỗi người không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, trọn đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Ở xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cán bộ và Nhân dân nơi đây đều rất trân trọng và tự hào, bởi xã có tới 5 người từng vinh dự được gặp Bác Hồ, hiện vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong đó, người cao tuổi nhất là ông Lê Trung Dĩnh, ở thôn Đạt Tài 2, năm nay đã bước sang tuổi 97. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, thủa mười tám, đôi mươi, ông đã tham gia phong trào cách mạng tại địa phương và sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1950, ông nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân. Trong thời gian học tập tại trường, ông vinh dự được gặp Bác 3 lần. Ấn tượng sâu sắc nhất của ông về Bác chính là tình cảm ân cần và những lời thăm hỏi, động viên Người dành cho những học viên - người lính vừa trở về từ chiến trường chống thực dân Pháp.

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 2.

Ông Lê Trung Dĩnh, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Trung Dĩnh, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bác rất giản dị và khiêm tốn. Trước ngày duyệt binh 2/9, Bác đến thăm, Bác nói: Ngày mai duyệt binh, Bác đến cho các chú nhìn thấy Bác, để không phạm quy. Bác động viên: Các chú chiến thắng rồi thì giờ về đây các chú phải học giỏi. Bác nói tình cảm lắm."

Ông Lê Sỹ Hứa, ở thôn Đạt Tài 2 cũng có vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Trong đó, lần ông được ở gần Bác nhất là vào khoảng năm 1957, Bác đến thăm đơn vị ông đóng quân ở thôn Ô Cách, xã Trường Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 3.

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 4.

Ông Lê Sỹ Hứa, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Sỹ Hứa, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trước tiên, Bác đi thăm nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh, nơi ăn chốn ở của bộ đội. Bác căn dặn cán bộ phải giáo dục bộ đội cho tốt, phải tôn trọng chính sách dân vận của quân đội. Bác dặn dò giữ gìn vệ sinh, sức khỏe cho bộ đội. Chưa đến 30 phút, Bác lại đi. Sau cuộc gặp Bác, đơn vị tổ chức sinh hoạt, giáo dục lính làm sao để xứng đáng với lời khen, lời dạy của Bác. Tôi thấy Bác là một ông cụ hiền lành nhưng vĩ đại vô cùng, Bác nói giọng ấm cúng, dặn dò từng ly từng tí. Là một Chủ tịch nước mà gặp anh lính, Bác dặn dò như thế, đúng là quá cảm động. Nên mình phải học Bác."

Ký ức về những lần được gặp Bác Hồ, những lời dạy chí tình của Người đã trở thành động lực tinh thần to lớn để ông Lê Sỹ Hứa không ngừng phấn đấu, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông lại cùng đồng đội xông pha khắp các chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội... dành cho ông là minh chứng vẻ vang cho cuộc đời học và làm theo Bác của người lính Lê Sỹ Hứa.

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 5.

Còn với ông Nguyễn Trọng Thể, ở thôn Đạt Tài 2, kỷ niệm được nghe Bác Hồ nói chuyện tại Sân vận động tỉnh năm 1961, trong lần thứ 4 Người về thăm Thanh Hóa, luôn là ký ức thiêng liêng nhất. Lúc bấy giờ, ông đang là chiến sỹ thuộc Trung đoàn 57, Sư đoàn 304. Hơn 60 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc lại sự kiện trọng đại này, ông Nguyễn Trọng Thể vẫn nhớ như in không khí náo nức, xúc động của quân và dân Thanh Hóa khi được đón Bác về thăm.

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Trọng Thể, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Trọng Thể, Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trung đoàn có hơn 1 nghìn người nhưng được đi 1 trung đội, khoảng 30 người. Chúng tôi được tin đi ra dự mít tinh, cũng không nói gặp Bác Hồ. Chúng tôi dậy từ 3 giờ sáng, quần áo chỉnh tề, đi bộ ra sân vận động. Đến nơi, thấy sân vận động đông nghịt người. Chờ 1 lúc thì Bác đến, xuất hiện trên kỳ đài. Những người được đến đó, vinh dự tự hào lắm, lúc Bác ra về, Bác bắt nhịp bài Kết đoàn: Kết đoàn chúng ta là sức mạnh."

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, trở về quê nhà, ông Nguyễn Trọng Thể tham gia công tác đoàn thể, chính quyền các cấp. Dù ở cương vị nào, ông cũng phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương; tích cực giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước, cách mạng.

Ông Nguyễn Trọng Thể. Thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm:ể nói lên công ơn của Đảng và Bác tôi có cái bài vẫn nhớ đến bây giờ: Thủa mẹ bằng tuổi con/Lưng đeo manh áo rách... Mẹ ơi ngày hội Đảng/ Mẹ có thấy cờ hồng/ Con đi trên đường lớn/ Đảng vạch đẹp vô cùng."

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 7.

Ông Phạm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Xã Hoằng Hà rất vinh dự có 5 nhân chứng từng được gặp Bác Hồ và đều là đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực. Trở về địa phương, các bác đã phát huy truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho địa phương nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua những câu chuyện trong những lần các nhân chứng được gặp Bác, chúng tôi thấy càng có giá trị chân thực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..."

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 8.

Trên quê hương Thanh Hóa, có rất nhiều người từng được gặp Bác Hồ trong nhiều bối cảnh khác nhau, và họ có một điểm chung: đều là những người con ưu tú của quê hương, là những cán bộ, đảng viên, quân nhân, người lao động gương mẫu, trọn đời học và làm theo Bác. Kỷ niệm về những lần được gặp Bác luôn được mỗi người trân trọng, gìn giữ, và là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân địa phương. 

Khắc ghi lời Bác - Ảnh 9.

Hình ảnh, tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người dân Thanh Hóa, Nhân dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế, như Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã từng khẳng định: "Bất cứ người nào đó có lương tri trên thế giới này, muốn có một cuộc đời như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ cảm thấy cuộc sống như ấm áp hơn, đáng tự hào, có hy vọng hơn... Cuộc đời ấy, tấm lòng ấy khác nào biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay".

Nguồn: Chuyên mục Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh