Khắc phục khó khăn hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi Thanh Hoá

Trước đây, do địa hình khó khăn và nguồn điện một số nơi do các Hợp tác xã quản lý nên hạ tầng lưới điện trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hoá thiếu đồng bộ, không đảm bảo tiêu chuẩn. Từ năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, các địa phương khu vực miền núi đã phối hợp chặt chẽ với điện lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng điện, đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, các đơn vị điện lực ở 11 huyện miền núi Thanh Hoá đã lập kế hoạch, có các giải pháp cụ thể để cải tạo, nâng cấp lưới điện ở 162 xã miền núi tham gia xây dựng nông thôn mới.

Khắc phục khó khăn hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi Thanh Hoá - Ảnh 2.

10 năm qua, hạ tầng điện trên địa bàn huyện Bá Thước đã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Điện lực Bá Thước đã đầu tư nâng cấp 170 trạm biến áp, đấu nối lại các điểm tiếp xúc để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, đồng thời cũng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đến nay, Bá Thước đã có 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia và có 82 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 thôn kiểu mẫu.

Ông Dư Quang Lương, Phó Giám đốc Điện lực Bá Thước cho biết: "Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, xác định tiêu chí số 4 là tiêu chí khó thực hiện, chúng tôi đã tập trung duy tu, nâng cấp từng hạng mục, phối hợp với các đơn vị, địa phương di dời hệ thống cột để mở rộng đường".

Khắc phục khó khăn hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi Thanh Hoá - Ảnh 3.

Từ năm 2010 đến cuối tháng 12 năm 2022, các đơn vị điện lực ở 11 huyện miền núi đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng phát triển hạ tầng lưới điện khu vực miền núi như: đầu tư cải tạo hơn 15.452 km đường dây trung thế; 16.235 km đường dây hạ thế, lắp đặt và nâng cấp 1.296 trạm biến áp; thay thế công tơ điện tử một pha, công tơ 3 pha tự động. Đến nay trong số 1.551 thôn, bản, đã có 1.537 thôn, bản ở khu vực miền núi có điện. Diện mạo khu vực miền núi Thanh Hoá những năm gần đây đã có sự đổi mới rõ rệt, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tiêu chí số 4 về điện.

Bà Hà Thị Quyền, một người dân ở bản Pọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát phấn khởi chia sẻ: "Ơn Đảng, Nhà nước, từ khi xây dựng nông thôn mới, có điện lưới quốc gia bà con đỡ vất vả hơn, máy móc thiết bị sản xuất hoạt động thay dần sức người, các cháu có đèn sáng học tập. Chúng tôi sẽ nỗ lực để cùng chính quyền xây dựng thành công nông thôn mới". 

Ông Đỗ Mạnh Hải, Phó Giám đốc Điện lực Mường Lát cho biết: "Là địa bàn khó khăn, để hoàn thành tiêu chí điện, chúng tôi đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, xử lý mọi khiếm khuyết và nâng cấp hệ thống trạm biến áp. Có điện đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào cũng văn minh hơn, được tiếp cận cái mới qua phương tiện thông tin đại chúng".

Khắc phục khó khăn hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi Thanh Hoá - Ảnh 4.

Để hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới, hơn 10 năm qua, ngành Điện cũng đã triển khai nhiều dự án chống quá tải, thay thế các trạm biến áp công suất nhỏ, đưa điện lưới đến các thôn, bản khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Việc thực hiện tốt tiêu chí điện đã thực sự góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi Thanh Hoá đạt 34,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, vượt 0,29% so với kế hoạch, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm 7,33%, vượt 4,33% kế hoạch. Đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi Thanh Hoá đã có 58 xã, 635 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu và có 62 sản phẩm OCOP.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 9.4.2023