Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS

19:36 - 02/11/2023

Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 3 bậc THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2028 cũng là năm thứ 3 thực hiện dạy các môn tích hợp theo chương trình mới. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện dạy tích hợp liên môn ở bậc THCS ở Thanh Hóa vẫn là thách thức với các nhà trường.

Môn Khoa học tự nhiên gồm tích hợp 3 môn là Vật lý, Hóa học và Sinh học. Đối với môn học này, các em học sinh chỉ cần sử dụng 1 quyển sách giáo khoa mới thay vì 3 quyển như trước đây. Tuy nhiên, thay vì được học với một giáo viên dạy tích hợp theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì lại có đến 2 giáo viên cùng đảm nhận giảng dạy môn học này.

Thầy giáo Phạm Trọng Tiến, Trường Tiểu học và THCS Đông Anh, huyện Động Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trực tiếp giảng dạy môn khoa học tự nhiên nhưng chỉ có một phần, do tôi không được đào tạo môn khoa học tự nhiên đủ cả nên một môn đó có 2 đến 3 người phụ trách, tôi được đào tạo Vật lý nên chỉ dạy một môn Vật lý".

Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS - Ảnh 1.

Trường THCS Bắc Lương, huyện Thọ Xuân có 19 cán bộ giáo viên với tổng số 278 học sinh. Năm học 2023 -2024, các môn tích hợp được triển khai ở cả 3 khối lớp 6, 7 và 8. Do chỉ được đào tạo giảng dạy chính quy môn Hóa học nên cô giáo Phạm Thị Quỳnh chưa thể đảm nhiệm giảng dạy nhiều phân môn của môn tích hợp tự nhiên.

Cô giáo Phạm Thị Quỳnh, Trường THCS Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tôi được đào tạo chuyên môn Hóa học, tôi không đủ khả năng dạy cả 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được, nếu dạy cả 3 môn là rất khó khăn cho tôi. Tôi chỉ dạy mình môn Hóa, còn phần Lý, Sinh là giáo viên khác dạy".

Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS - Ảnh 2.

Thầy Lê Hữu Tình, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Thầy Lê Hữu Tình, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Thực hiện chương trình 2018 trong quá trinh thực hiện có khó khăn là giáo viên thiếu, bộ môn tích hợp không phù hợp với chương trình giảng dạy".

Năm học 2023 -2024, các môn tích hợp được triển khai ở cả 3 khối lớp 6, 7 và 8. Thực tế thiếu giáo viên đứng lớp và chưa có giáo viên "tích hợp" được đào tạo chuẩn chuyên môn là khó khăn lớn nhất của huyện Thọ Xuân hiện nay khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sau một thời gian dạy môn tích hợp, nhiều thầy, cô giáo chia sẻ do trước đây không được đào tạo liên môn, chỉ học đơn môn nên dù hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định thì cũng khó mà có kiến thức chuyên sâu để giảng dạy hiệu quả.

Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS - Ảnh 3.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi chỉ được đào tạo môn Lịch sử, nếu phân dạy liên môn tôi khó đảm nhận được".

Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS - Ảnh 4.

Ông Lê Huy Nhị, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Ông Lê Huy Nhị, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Theo hướng tách riêng từng phân môn thì các nhà trường tổ chức dạy và học hiệu quả hơn, bố trí giáo viên tốt hơn. Thực hiện chương trình mới khó, thiếu giáo viên, giáo viên chưa được đào tạo và cơ sở vật chất thiếu, học sinh đông. Đề xuất được đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên".

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THCS có 2 môn tích hợp, gồm Lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên. Hai môn này thực chất là được gộp từ 5 môn học độc lập trong chương trình 2006, trong đó các môn Lịch sử, Địa lý gộp thành môn Lịch sử và Địa lý; các môn Hóa học, Sinh học và Vật lý gộp thành môn Khoa học tự nhiên. Thực tế cho thấy, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Lịch sử và Địa lý, khoa học tự nhiên hoàn toàn tách biệt nhau làm hai phần và chỉ được tích hợp lại trong một quyển sách. Để triển khai giảng dạy 2 môn tích hợp này, phần lớn  các trường THCS trong tỉnh đều phân công 2 đến 3 giáo viên cùng giảng dạy. Trong khi đó, thời khóa biểu vẫn được chia riêng biệt, đến tiết môn nào, thầy, cô phụ trách môn đó sẽ trực tiếp giảng dạy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tại các nhà trường, nhất là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cô giáo Đỗ Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Thọ Xuân chi sẻ: "Thực hiện chương trình này vào năm học này giáo viên đã cập nhật được nhưng chúng tôi băn khoăn việc thi học sinh giỏi sẽ chọn tội tuyển như thế nào. Một em phải thi cả 3 môn, học sinh rất khó khăn trong thi, có những em không thể đúng với năng lực sở trường của mình. Giáo viên thi chúng tôi bố trí mỗi giáo viên dạy một môn, chúng tôi không có giáo viên để bố trí dạy cùng lúc 3 môn".

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đông Anh, huyện Động Sơn, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị

Khó khăn trong dạy học môn tích hợp bậc THCS - Ảnh 6.

Theo Sở giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, đến thời điểm này, Thanh Hóa vẫn chưa có giáo viên nào được đào tạo chuẩn chuyên ngành đủ 3 phân môn đảm bảo giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. Đối với môn Lịch sử và Địa lý có một số ít giáo viên có thể giảng dạy cả 2 phân môn này nhưng họ cũng chỉ chuyên sâu ở 1 trong số 2 phân môn đó. Thực tế này khiến cho việc bố trí sắp xếp giáo viên giảng dạy các môn học mới theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở các nhà trường gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sắp tới Bộ có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến sự chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn cho các nhà trường, tạo thuận lợi cho việc dạy và học, đồng thời phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. 


Nguồn: Chuyên mục Giáo dục Khuyến học 02/11/2023