Khó khăn trong việc thi hành án dân sự đối với chủ tàu cá 67

18:35 - 25/11/2022

Nhiều tàu cá tại Thanh Hoá vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ sau quá trình hoạt động không hiệu quả, không đủ khả năng trả nợ bị các Ngân hàng thương mại khởi kiện ra Toà yêu cầu bồi thường hợp đồng. Bên cạnh các chủ tàu thực sự khó khăn, vẫn có chủ tàu cố ý trốn tránh trách nhiệm trả nợ, khiến cho việc thu hồi nợ của cơ quan Thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Cục thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa, tổng số tàu cá không có khả năng trả nợ trên địa bàn tỉnh phải thi hành án theo đơn đề nghị của Ngân hàng là 25 tàu với số tiền phải thi hành trên 230 tỉ đồng. Các cơ quan thi hành án đã thu hồi được số tiền trên 38,6 tỉ đồng; còn trên 190 tỉ đồng chưa thu hồi do không có điều kiện thi hành án.


Khó khăn trong việc thi hành án dân sự đối với chủ tàu cá 67 - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Tám, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Viết Tám, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi kiến nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trong quá trình cho vay phải xem xét tài sản cho vay, đảm bảo tài sản thế chấp ngang giá trị, quản lý chặt chẽ tài sản đang thế chấp để đến giai đoạn thi hành án thì cơ quan thi hành án không mất thời gian truy tìm."

Những vướng mắc khó khăn trong công tác thi hành án dân sự đối với tàu cá 67 rất cần sự vào cuộc tháo gỡ của nhiều ngành chức năng. Đối với những chủ tàu cá cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, cơ quan thi hành án, chính quyền các địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng vay vốn, thu hồi tài sản về cho các Ngân hàng thương mại.


Nguồn: Bản tin Thời sự 18h30 ngày 25/11/2022