Khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng di tích xuống cấp

20:56 - 28/10/2023

Nhiều năm qua, tình trạng di tích "kêu cứu" vì xuống cấp đã diễn ra tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, đến nay, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm kiếm giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này.

Đình Quan Chiêm - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh có tuổi đời hơn 200 năm ở xã Hà Giang, huyện Hà Trung đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Mái ngói qua nhiều lần đảo, hiện đã sụt lún, tụt xuống từng mảng. Nhiều hạng mục bằng gỗ hư hỏng, sập xệ. Một số cấu kiện bị mối mục, tiêu tâm.

Khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng di tích xuống cấp - Ảnh 2.

Để tránh cho ngôi đình sập xuống, chính quyền xã chỉ có thể sử dụng giải pháp chằng chống, gia cố lại các hàng cột gỗ. Việc trùng tu, tôn tạo đình cần nguồn kinh phí lớn mà xã và huyện khó đáp ứng được.

Bà Phan Thị Lan ,Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Di tích Phủ Thông, ở xã Nga An, huyện Nga Sơn được dựng ngay dưới chân núi. Hiện nay, kết cấu đất đá phía trên Phủ bở rời, có nguy cơ sụt xuống, không an toàn cho người dân và du khách thập phương về tham quan, hành lễ. Thế nhưng, để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương chỉ có thể xây dựng một cột bê tông chống đỡ tạm thời.

Khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng di tích xuống cấp - Ảnh 4.

Địa phương trông chờ nguồn ngân sách hỗ trợ của cấp trên, trong khi ngân sách của tỉnh phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích thì có hạn.

Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Thực tế cho thấy, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm, dành nguồn ngân sách khoảng 30 - 50 tỷ đồng mỗi năm để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Thế nhưng, với hơn 850 di tích rải khắp các huyện, thị xã, thành phố, trong đó hơn 300 di tích đã xuống cấp, nguồn kinh phí trên vẫn là rất khiêm tốn. Tháng 8 năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu: bình quân mỗi năm, hỗ trợ kinh phí bảo quản, tu bổ và chống xuống cấp từ 25 - 35 di tích. Thế nhưng, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai Kế hoạch, mới chỉ có vài di tích được cấp kinh phí tu bổ.

Khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng di tích xuống cấp - Ảnh 6.

Nguồn kinh phí khó khăn, sự hiểu biết hạn chế về di tích lịch sử - văn hóa của các chủ đầu tư, của đội ngũ những người làm nhiệm vụ quản lý, trông coi di tích ở cơ sở… dẫn đến việc thiếu các giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng di tích xuống cấp.

Khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng di tích xuống cấp - Ảnh 7.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Đây là di sản, là vốn quý to lớn mà các thế hệ tiền nhân để lại, góp phần khẳng định vị thế địa linh nhân kiệt của xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa - lịch sử dân tộc. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, việc tìm ra giải pháp căn cơ để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Nhưng các di tích thì không thể chờ đợi lâu.

Nguồn: TS Tối 28/10/2023