Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở khu vực miền núi

16:33 - 11/01/2024

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược lâu dài nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn ưu tiên, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng trường học hướng đến đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, việc xây dựng trường chuẩn vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Sau khi thoát khỏi cảnh phòng học tạm bợ, thì xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu mà các trường học ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa hướng đến. Song việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất còn khó khăn đang là rào cản lớn đối với các nhà trường ở khu vực này. Hiện nay, trừ huyện Cẩm Thuỷ, thì hầu hết các huyện miền núi khác của tỉnh đều có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh.

Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở khu vực miền núi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Khó khăn của chúng tôi là khó về xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất. Tiếp theo nữa là trong 1-2 năm trở lại đây, số lượng giáo viên chuyển về xuôi cũng nhiều, nên ảnh hưởng đến công tác bảo đảm nhân sự phục vụ công tác giảng dạy, công nhận chuẩn".

Do điều kiện kinh tế khu vực miền núi cũng như công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục hạn chế... nên đến nay, việc đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất trong tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn là mục tiêu xa vời đối với nhiều trường học.

Khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở khu vực miền núi- Ảnh 2.

Không bị động chờ đợi, khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các trường học ở khu vực miền núi vẫn đang nỗ lực đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, với mong muốn từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.

Nguồn: Thời sự 16h ngày 11/1/2024