Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam

19:50 - 10/05/2023

Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch ra sức kích động, gieo rắc tư tưởng lệch lạc về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, không một luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận được những lợi ích mà chính sách này đang mang lại cho người dân, bởi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, từ các tổ chức chính trị đến doanh nghiệp, cá nhân luôn hướng về người lao động, người khó khăn, yếu thế bằng những hành động thiết thực nhất.

Tại Việt Nam, 3 hợp phần cơ bản của chính sách an sinh xã hội gồm: Những chính sách, chương trình phòng ngừa rủi ro; Những chính sách, chương trình giảm thiểu rủi ro và những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro được cụ thể hóa thành 5 trụ cột là Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Cứu trợ xã hội và trợ giúp, ưu đãi xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta.

Điểm sáng nổi bật cho thấy hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam chính là kết quả giảm nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Không dừng lại ở kết quả đó, những năm gần đây, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế tổn thất nặng nề, Đảng và Nhà nước ta vẫn thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo với chủ trương "cho người dân cần câu, không cho người dân con cá".

Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam  - Ảnh 2.

Bà Vi Thị Luyến, Bản Mìn, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ tiền để gia đình mua giống lợn về nuôi và sinh sản ra để bán. Từ đó tạo thu nhập cho gia đình thoát nghèo. Tôi thấy mô hình nuôi lợn rất hiệu quả."

Đối với các trường hợp rủi ro không thể lường trước và tự khắc phục được như thiên tai, địch họa, trẻ em mồ côi, người già neo đơn… chính sách an sinh xã hội của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước, mà còn kêu gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng trong nước và quốc tế thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng tính hiệu quả và mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam  - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: " Trong 5 năm tới, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, làm tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, chung tay cùng hỗ trợ người yếu thế trong xã hội."

Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập văn hóa – tư tưởng và những tác động của toàn cầu hóa, chính sách an sinh xã hội không thể chỉ duy trì và thực hiện rập khuôn, mà cần thay đổi để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn mới, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Điều này thể hiện rõ trong nỗ lực của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội. Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm bàn sâu, phân tích kỹ thực trạng, nguyên nhân, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, từ đó chỉ đạo quyết liệt về các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam  - Ảnh 4.

Những dẫn chứng trên khẳng định, việc các thế lực thù địch, những kẻ bất đồng chính kiến và thiếu thiện chí với Việt Nam, cố tình biến chính sách an sinh xã hội thành công cụ nhằm đạt mưu đồ chống phá là rất rõ ràng, cần quyết liệt phản bác, bài trừ.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 10/05/2023