Không tuân thủ quy hoạch - Doanh nghiệp may xuất khẩu gặp khó

19:51 - 07/12/2019

(TTV) - Với lợi thế về địa lý và nguồn lao động dồi dào, những năm gần đây Thanh Hóa được đánh giá là trung tâm phát triển ngành may của khu vực Bắc miền Trung. Tuy nhiên, những bất cập về quy hoạch lại đang khiến nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu gặp không ít khó khăn, nhất là về thu hút lao động.

3 chuyền may với khoảng trên 100 máy đã được doanh nghiệp này lắp đặt xong từ vài tháng nay, thế nhưng toàn bộ dây chuyền chưa thể đi vào hoạt động do doanh nghiệp chưa tuyển được lao động…

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, hiện tại, đơn hàng đã ký với đối tác rất dồi dào, thị trường xuất khẩu ổn định và có thể mở rộng thêm, tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, doanh nghiệp mới chỉ tuyển được 250 lao động vào làm việc, bằng gần 1 nửa so với quy mô nhà máy. Nguyên nhân được cho là do quanh khu vực có nhiều nhà máy gần nhau khiến việc thu hút lao động gặp khó khăn.

Tại khu vực các xã Hoàng Sơn, Hoàng Giang, Trung Chính, Tân Phúc, huyện Nông Cống, trong vòng bán kính từ 2 đến 3 km đã có đến 5 nhà máy may và 1 nhà máy may túi xách đang hoạt động. Đáng chú ý dù các nhà máy luôn thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng hiện cũng chỉ đạt khoảng 70% số lao động so với công suất thiết kế. Chưa kể, tình trạng người lao động “nhảy việc” khiến số lao động bị biến động liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các nhà máy.

Theo quy hoạch phát triển dệt may, da giầy tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc quy hoạch, phân bố các dự án đầu tư ngành may mặc cần đảm bảo tính hài hòa, cân đối các cự ly khoảng cách giữa dự án may với dự án may, giữa dự án may với dự án da giầy một cách hợp lý, với khoảng cách từ 7km đến 10km nhằm thu hút lao động tại chỗ thuận lợi.

Thanh Hóa hiện có khoảng 200 nhà máy may với hơn 100 nghìn lao động. Hiện các mặt hàng may mặc, da giầy đang chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Cùng với quy hoạch đã được xây dựng và môi trường đầu tư kinh doanh rộng mở, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đến tìm hiểu, xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng nhiều nhà máy trong cự ly gần nhau đang gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh, thu hút, tuyển dụng lao động, nhất là ở khu vực đồng bằng. Do vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm ổn định và đảm bảo chế độ phúc lợi đối với người lao động, ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát kỹ khi thực hiện quy hoạch các dự án trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Hồng Ngọc - Sỹ Thảo

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV