Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em

09:00 - 12/04/2024

Theo khảo sát ngành y tế, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 10 tuổi đang là thực trạng đáng báo động tại Thanh Hóa. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ trong tương lai. Vì vậy, để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, nhất là đối với trẻ em cần sự quan tâm của gia đình và nhà trường.

Thừa cân quá mức khiến việc vận động của trẻ kém linh hoạt hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Cô Lê Thị Thu, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Quảng Hưng, thành phố Thanh Hoá cho biết: "Đối với các bạn cân nặng béo phì, nhà trường cũng phải điều chỉnh lại chế độ ăn, ví dụ hạn chế tinh bột, tăng cường rau xanh. Bên cạnh đó cũng trao đổi với gia đình để gia đình cũng có cách điều chỉnh chế độ ăn cho các cháu khi ở nhà".

Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ được xem là béo phì khi có trọng lượng cơ thể hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Theo khảo sát của ngành y tế, tại nhiều trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong 10 năm trở lại đây, tỉ lệ trẻ bị béo phì, thừa cân tăng khá nhanh, chiếm từ 5- 7% số trẻ mắc các vấn đề về dinh dưỡng. Các nguyên nhân dẫn đến béo phì ở trẻ được xác định là do chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn không hợp lý. Ngoài ra, còn một ít các trường hợp trẻ béo phì có liên quan đến nội tiết, di truyền, sử dụng thuốc…

Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em - Ảnh 2.

Bác sĩ CKI Trịnh Thị Thơm, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hoá

Bác sĩ CKI Trịnh Thị Thơm, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nếu trẻ béo phì có cân nặng trên 200% so với cân nặng lý tưởng sẽ có nguy cơ dẫn đến đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, dậy thì sớm gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản cũng như hạn chế về chiều cao ở trẻ".

Để phòng chống thừa cân, béo phì, các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang tích cực triển khai chương trình cải tiến bữa ăn học đường, tránh lạm dụng tinh bột và các chất béo trong bữa ăn; tăng cường hoạt động thể lực, trung bình 60 phút/ngày, thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ nhằm phát hiện những trường hợp trẻ đang có dấu hiệu tăng cân bất thường. 

Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em - Ảnh 3.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nhà trường thì các bậc cha mẹ cũng cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho trẻ tại nhà, khích lệ trẻ tham gia các hoạt động vận động phù hợp với lứa tuổi, cùng làm các công việc gia đình. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên cho con đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi trẻ có những dấu hiệu tăng cân quá nhiều so với chiều cao, lứa tuổi để có hướng can thiệp kịp thời.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV