Làm giàu từ chế biến măng khô

08:48 - 13/12/2019

(TTV) - Những năm gần đây, gia đình anh Bùi Văn Tâm ở xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn đã mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến măng khô, đồng thời quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ nghề chế biến măng khô.

 

anh Bùi Văn Tâm Chủ cơ sở chế măng khô Mai Tâm Phương
Anh Bùi Văn Tâm Chủ cơ sở chế măng khô Mai Tâm Phương (ngoài cùng bên phải)

Ngay khi có ý tưởng, anh Bùi Văn Tâm Chủ cơ sở chế măng khô Mai Tâm Phương không quản ngại vất vả, lên từng huyện miền núi trong để vận động bà con trồng măng và kí kết hợp đồng thu mua sản phẩm. Có đầu mối nguyên liệu đầu vào ổn định, anh Tâm lại tiếp tục đi học kinh nghiệm chế biến măng khô các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, anh quyết định đầu tư mua máy móc mở xưởng chế biến măng.

Theo anh Tâm, để có sản phẩm măng khô chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là  nguồn nguyên liệu phải tươi, ngon, phơi khô tự nhiên, không chất bảo quản. Sau đó, măng phải được  hấp, sấy tiệt trùng, đóng gói kín hút chân không để bảo quản được lâu. Bên cạnh đó, anh Tâm còn chịu khó lên mạng xã hội đấu mối tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm của mình. Vừa làm vừa đầu tư, đến nay, cơ sở chế biến của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Trung bình 1 năm, cơ sở chế biến của anh Tâm cung ứng cho thị trường các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 20 tấn măng khô các loại, với giá bán bình quân 250 nghìn đồng/ kg, trừ chi phí, anh thu lãi 600 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài chế biến măng khô, anh Tâm còn liên kết với các hợp tác xã thu mua mộc nhĩ về chế biến, mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình của gia đình anh còn giúp cho nhiều hộ dân trồng măng trong tỉnh nâng cao thu nhập.

Hiện nay, anh Tâm đang tập trung đổi mới bao bì, nhãn mác, nhằm quảng bá thương hiệu và xây dựng măng khô thành sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa.

Bản tin Thanh Hóa ngày mới TTV