Lam Kinh - điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách

06:33 - 29/04/2022

(TTV) - Sau khi du lịch được mở cửa trở lại, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi nhiều dịch vụ trải nghiệm mới đã và đang được ứng dụng tại đây. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, sự kiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh đã tăng thêm sức hấp dẫn cho Lam Kinh, là "cú hích" quan trọng để sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh của Thanh Hóa có được vị trí xứng đáng và ngày càng thu hút được khách du lịch.

 

 

Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010. Công trình nằm trên diện tích hơn 1.600 m2, là một trong những công trình quan trọng, bề thế ở khu trung tâm di tích Lam Kinh. Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê). Công trình có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm nổi, chạm bong, một số lớp có độ sâu dao động từ 10 cm - 20 cm. Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã tạo nên tầm vóc và sự thay đổi toàn diện cho khu di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng và hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung. 

 

Lam Sơn là nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh hơn 600 năm trước. Sau 10 năm (từ năm 1418 đến năm 1428) kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long (Hà Nội), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô lớn ở đất Lam Sơn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, thái hoàng, thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ khi vua lễ bái yết sơn lăng. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Khu di tích đã được phục dựng trên nền móng công trình cổ;  là nơi hội tụ tinh hoa, giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, niềm tự hào của người xứ Thanh. Ngoài những lăng tẩm, đền miếu có chức năng tín ngưỡng, mang ý nghĩa tri ân tiên tổ Nhà Lê, khu di tích còn có cảnh quan thiên nhiên hài hòa với tổng thể không gian kiến  trúc. Trước kia, khu di tích thường chỉ thu hút đông du khách vào dịp lễ hội Lam Kinh tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, với lòng hướng về nguồn cội, nhân dân đến khu di tích quanh năm để dâng hương và tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao của những vị vua, thái hoàng, thái hậu đã có công khai sáng và xây đắp vương triều Hậu Lê.  

 

 

Theo Ban quản lí Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, chỉ tính từ dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương đến nay, khu di tích đã được đón hơn 20 nghìn lượt khách đến dâng hương, tham quan. Ban quản lí đã huy động tối đa phương tiện đưa đón khách và hướng dẫn viên đón các đoàn tham quan.  Đến với khu di tích, du khách được trải nghiệm dịch vụ du lịch mới bằng xe điện đi tham quan quanh khu rừng Lam Kinh và các khu lăng mộ. Không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt, để ngược dòng về quá khứ - một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam - du khách còn được  đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Theo con đường mòn đi sâu vào lõi rừng, hai bên cây cối um tùm gợi cho du khách sự thú vị khi cảm nhận được sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên ngay giữa chốn linh thiêng. Ai đến đây cũng có cảm giác bình yên, quên đi sự xô bồ của cuộc sống thường nhật. 

Hơn 6 thế kỷ trôi qua, Lam Kinh, biểu tượng về giai đoạn lịch sử hào hùng chống giặc Minh xâm lược và xây dựng Quốc gia Đại Việt, vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa, đã và đang được bảo tồn, tôn vinh. Mỗi di tích, mỗi cây xanh ở đây là một thông điệp của quá khứ gửi tới hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc. Với giá trị to lớn ấy, Lam Kinh đang tạo sức hút đặc biệt đối với mỗi du khách khi đến với vùng địa linh nhân kiệt này./.

Minh Thúy- Xuân Quang/Chuyên mục Phát triển du lịch ngày 27.4

Trình bày: Minh Hương