Lang Chánh khai thác giá trị văn hóa truyền thống trong việc phát triển du lịch cộng đồng

02:22 - 28/03/2022

(TTV) - Là một huyện miền núi với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Lang Chánh được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, cùng với các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc, các di sản văn hóa văn nghệ dân gian... Đây là những tài nguyên du lịch hết sức giá trị, mang tính đặc trưng vùng miền, tạo thế mạnh và sự khác biệt cho sản phẩm du lịch. Bởi vậy, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Lang Chánh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

 

Ngoài những lợi thế về hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan sinh thái nguyên sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như Chùa Mèo, Thác Ma Hao, Thác Hón Lối.... Lang Chánh còn được biết đến với những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Lang Chánh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Lang Chánh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Với hơn 90% là dân tộc Thái, Mường sinh sống trên địa bàn, Lang Chánh có những lợi thế riêng để phát triển du lịch cộng đồng. Đến với Lang Chánh, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch Homestay trong những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường… hay hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức loại hình văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca đặc sắc… và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống được chế biến cầu kỳ độc đáo mang đậm hương vị núi rừng.

Trong những năm qua, huyện Lang Chánh đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội thì ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên. Có được điều này, những năm qua, Lang Chánh đã tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền, có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực; khảo sát, sưu tầm và phục dựng các tiết mục văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường…

Với chị em phụ nữ ở bản Ngàm Pốc, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của  dân tộc Thái cũng đang được bà con gìn giữ và phát huy. Chi hội phụ nữ đã phát động chị em gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, bởi đây là nét đẹp truyền thống, làm nên cốt cách, làm nên tâm hồn người phụ nữ Thái từ bao đời nay. Sau một thời gian phát động, đã có hàng chục hội viên phụ nữ tham gia. Sau những giờ bầu bạn cùng cái cuốc trên nương, con dao trên rẫy, người phụ nữ Thái lại ngồi bên khung dệt, để khắp bản làng lại lách cách tiếng thoi đưa.

Chị Vi Thị Ngót, Bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng chia sẻ: "Tôi biết dệt từ khi mới 15 tuổi. Cho đến nay, tôi vẫn luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm. Thời gian rảnh rỗi tôi tranh thủ dệt để may chăn ga, dối đệm và váy áo… vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa mang đi bán để có thêm thu nhập. Hy vọng, thời gian tới khi du lịch cộng đồng phát triển sản phẩm thổ cẩm của người Thái chúng tôi sẽ được nhiều nơi biết đến".

Một điều dễ nhận thấy là du khách khi đến với người dân bản địa thường rất thích tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của bà con, chính vì thế, những chương trình du lịch làng nghề sẽ là cách hay nhất để giới thiệu với du khách, đặc biệt là khách quốc tế . Bởi vậy, Lang Chánh, đang cố gắng gìn giữ, bảo tồn và khôi phục lại những nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, như đan lát và nghề dệt thổ cẩm của người Thái, người Mường… Để khi khách đến tham quan  sẽ được tận mắt chứng kiến những nét đẹp truyền thống và được biết nhiều hơn về văn hóa, lối sống của bà con các dân tộc.

Cùng với những địa phương khác trên địa bàn huyện, xã Yên Thắng cũng là một trong những xã có nhiều tiềm năng và lợi thế để khai thác phát triển du lịch, kết nối với tuor thác Ma Hao xã Trí Nang. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ thống làng nghề đa dạng, là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Yên Thắng là địa phương có nhiều thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: "Xã tập trung tuyên truyền cho bà con nhân dân giữ gìn các giá trị văn háo dân tộc, thứ 2 là phát triển gắn với nông thôn mới để thay đổi tư duy cách nghĩ cách làm của bà con. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vào những giá trị mũi nhọn như dệt thổ cẩm, đan lát, vận động các nghệ nhân động viên con cháu giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống".

Để tạo đà cho du lịch phát triển, trong thời gian tới, Lang Chánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tổ chức các tour du lịch cho du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Gắn phát triển du lịch với xây dựng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, tạo nên nét đặc sắc riêng của du lịch vùng cao.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh: Địa phương chúng tôi tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển  rừng gắn với bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, tạo điều kiện để khai thác tiềm năng, hết lợi thế thiên nhiên ban tặng. Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ đầu tư vào địa phương khai thác và đầu tư  phát triển du lịch)
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh: "Địa phương chúng tôi tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, tạo điều kiện để khai thác tiềm năng, hết lợi thế thiên nhiên ban tặng. Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ đầu tư vào địa phương khai thác và đầu tư phát triển du lịch".

Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa trở lại sau thời gian tạm lắng vì dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động đón khách diễn ra an toàn, thích ứng với tình hình mới. Cùng với việc đón khách ngoại tỉnh, khách quốc tế, Thanh Hóa cũng chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch nội tỉnh, du lịch cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với du khách.

Đây cũng chính là động lực để Lang Chánh nói riêng và các địa phương miền núi nói chung tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - một trong 10 dự án trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Theo Hoàng Hân - Đức Anh

(Chuyên mục Câu chuyện vùng cao)