Lấy phiếu tín nhiệm – Nhận thức đủ để hành động đúng

09:33 - 10/12/2023

Lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ, được Đảng ta tiến hành bài bản, hiệu quả từ nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng đến nay. Thế nhưng, với mưu đồ xấu, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị thường xuyên đơm đặt, bóp méo sự thật về việc lấy phiếu tín nhiệm, nhằm hướng lái dư luận, gây mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Gần đây nhất, chúng đã tập trung công kích việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức danh do Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn. Phân tích sự kiện này dưới góc độ khách quan của cả cử tri và chính đại biểu Quốc hội – những người trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm đã cho chúng ta cái nhìn khách quan, đúng bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời vạch trần những chiêu trò, luận điệu xuyên tạc trắng trợn của những kẻ cơ hội chính trị.

Ngay khi Quốc hội chính thức công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức danh do Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại "bổn cũ soạn lại", lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc rằng "việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức". Đặc biệt, chúng cho rằng các chức danh không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm đợt này là do sự sắp xếp, phe cánh. Đây là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, phi lý.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ, Phó trưởng khoa Lý luận chính trị - Luật, trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa

Về tính khách quan, công tâm của việc lấy phiếu tín nhiệm, hãy nhìn vào kết quả được công khai trên sóng truyền hình trực tiếp và các phương tiện truyền thông đại chúng ngay sau khi bỏ phiếu. Trong số 44 chức danh được bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV lần này, vị trí có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là 72 phiếu, chiếm gần 15% tổng số phiếu, còn vị trí có số phiếu tín nhiệm thấp ít nhất chỉ có 02 phiếu, chiếm 0,42% tổng số phiếu. Thực tế cho thấy, những vị trí có nhiều phiếu tín nhiệm thấp là những người đứng đầu các ngành, các lĩnh vực mà thời gian vừa qua có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm. Điều đó cho thấy lá phiếu của Đại biểu Quốc hội và dư luận của Nhân dân đã có tiếng nói chung, các Đại biểu Quốc hội đã rất trách nhiệm, công tâm, khách quan đối với lá phiếu của mình.

Ông Nguyễn Hồng Vinh, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Đại biểu Quốc hội Khoá X, XI

Một trong những luận điệu mà những kẻ cơ hội chính trị thường dùng, đó là cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức, không có tác dụng thực chất. Tuy nhiên, theo Điều 12 Nghị quyết 96 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn: "Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó". Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Quang Huân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Cũng theo Nghị quyết 96, đối với trường hợp lấy phiếu tín nhiệm, mẫu phiếu được chia làm ba mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm thì mẫu phiếu có hai mức "tín nhiệm", "không tín nhiệm". Rõ ràng, số đối tượng đưa ra các bài viết quy chụp phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là giống nhau, đã thể hiện sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình không hiểu của chúng, mục đích cuối cùng là chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Lấy phiếu tín nhiệm – Nhận thức đủ để hành động đúng- Ảnh 1.

Có thể thấy, chiêu bài cài cắm thông tin xuyên tạc trong những sự kiện thực tế không còn mới, nhưng các đối tượng cơ hội chính trị thường đăng tải rầm rộ vào cùng một thời điểm trên nhiều nền tảng số khác nhau khiến người dân dễ bị "thao túng tâm lý", khi nghe hoặc xem quá nhiều sẽ có xu hướng tin tưởng thông tin sai là thông tin đúng. Dự báo thời gian tới, khi cấp ủy Đảng các cấp thực hiện công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo, chiêu bài này sẽ tiếp tục được sử dụng. Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin, nắm vững quy định để có cách nhìn khách quan, công tâm, đồng thời có trách nhiệm trong việc đấu tranh với nội dung xấu, độc, vạch trần các luận điệu xuyên tạc, đồng thời tố giác những hành vi vi phạm, đăng tải, lan truyền các thông tin sai sự thật để cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày 27/11/2023