Lễ hội cầu ngư - Nét đẹp văn hóa vùng biển

18:12 - 13/03/2023

Lễ hội Cầu ngư là hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn liền với các cộng đồng dân cư ven biển. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ở các huyện, thị giáp biển hàng năm đều diễn ra lễ hội cầu ngư. Trong đó, lễ hội cầu ngư ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc có quy mô, sức lan tỏa lớn nhất và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Sau 2 năm không tổ chức do đại dịch COVID-19, Lễ hội cầu ngư năm nay diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách.

Từ sáng sớm ngày hôm 13/3, tức ngày 22/2 âm lịch, người dân xã Ngư Lộc, các xã ven biển Hậu Lộc và các huyện lân cận Nga Sơn, Hoằng Hóa đều tập trung tại Cụm di tích Diêm Phố, xã Ngư Lộc để tham dự Lễ hội Cầu ngư. Mặc dù năm nay, phần rước kiệu, rước thuyền rồng chỉ diễn ra trong khu di tích nhưng các nghi thức truyền thống vẫn được thực hiện đầy đủ, trang nghiêm. Trong đó, nghi thức chính của lễ hội là lễ tế cầu mát, cầu mong các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, để ngư dân vùng biển có đời sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội cầu ngư - Nét đẹp văn hóa vùng biển - Ảnh 2.

Lễ hội cầu ngư ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017

Lễ hội cầu ngư có lịch sử từ lâu đời, gắn liền với đời sống của cư dân làng biển Diêm Phố, xã Ngư Lộc ngày nay.  Với những ý nghĩa mang đậm tính nhân văn sâu sắc, lễ hội cầu ngư là dịp để các cộng đồng dân cư tăng cường đoàn kết, gắn bó, động viên nhau quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường; góp phần xây dựng cuộc sống ấm no và bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn: Bản tin Thời sự 18h30 ngày 13/3/2023