Lễ hội Đền Bà Triệu - Di sản phi vật thể Quốc gia

08:19 - 02/03/2023

Lễ hội Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều này góp phần khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Lễ hội Đền Bà Triệu - một trong những lễ hội có quy mô và sức lan tỏa lớn nhất ở xứ Thanh.

Những ngày này, tại đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, các đội tế của làng đang tích cực tập luyện, chuẩn bị cho Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023. Thành viên của đội tế đều là các bậc cao niên sinh ra và lớn lên ở làng, từ thuở nhỏ đã được đắm mình trong không khí linh thiêng, náo nức của lễ hội. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, có những thời điểm, việc tổ chức lễ hội tạm thời bị gián đoạn, nhưng ý nghĩa tri ân nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cùng những nghi thức độc đáo của lễ hội luôn được gìn giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác.

Lễ hội Đền Bà Triệu - Di sản phi vật thể Quốc gia - Ảnh 2.

Trong 3 ngày, từ 11 đến 13/3/2023, tức từ ngày 20 đến 22/2 năm Quý Mão, tỉnh sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền Bà Triệu và tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023

Lễ hội Đền Bà Triệu là sự kiện văn hóa lịch sử, tín ngưỡng dân gian lớn, có nội dung phong phú, diễn ra trên không gian rộng và mang những đặc trưng riêng của văn hóa truyền thống địa phương, gồm nhiều nội dung như: lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình, lễ rước kiệu, lễ tạ, tế cung đình, tế nữ quan... Trong đó lễ rước kiệu là nội dung đặc biệt nhất và thu hút đông người tham gia, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc; thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân Thanh Hóa, đồng thời tôn vinh công lao to lớn và khí phách anh hùng của nữ tướng Triệu Thị Trinh.

Lễ hội Đền Bà Triệu - Di sản phi vật thể Quốc gia - Ảnh 3.

Lễ rước kiệu là nội dung đặc biệt nhất và thu hút đông người tham gia.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Lễ hội Đền Bà Triệu diễn ra trong không gian thiêng, là nơi bà tổ chức những trận đánh, hy sinh. Lễ hội được duy trì suốt mấy trăm năm qua, thu hút lực lượng lớn người dân tham gia, qua nhiều thế hệ, liên tục và không đứt đoạn. Hình ảnh Bà Triệu là hình ảnh của con người tuổi đời rất trẻ nhưng ý chí lớn, hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam. Đó là một trong những giá trị lớn nhất để di sản lễ hội đền Bà Triệu trở thành di sản quốc gia".

Lễ hội Đền Bà Triệu - Di sản phi vật thể Quốc gia - Ảnh 4.

Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội Đền Bà Triệu vẫn giữ được những yếu tố văn hóa - lịch sử - dân gian, chưa bị sân khấu hóa, hình thức hóa. Trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đến hành lễ, tổ chức phần hội, người dân địa phương vẫn giữ vai trò chủ nhân - chủ thể.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Xã huy động trên 300 nhân lực tham gia rước kiệu, tế lễ. Nhân dân tự nguyện, ủng hộ tham gia tất cả các hoạt động... Đảng ủy, chính quyền đã tuyên truyền cho nhân thấy được ý nghĩa, vai trò của nền tảng tư tưởng, văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội".

Lễ hội Đền Bà Triệu - Di sản phi vật thể Quốc gia - Ảnh 5.

Lễ hội Đền Bà Triệu được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phản ánh nỗ lực lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tới đây, trong 3 ngày, từ 11 đến 13/3/2023, tức từ ngày 20 đến 22/2 năm Quý Mão, tỉnh sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền Bà Triệu và tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023, Kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Lễ khai mạc lúc 8 giờ, ngày 11/3, tức ngày 20/2 âm lịch, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 2/3/2023