Linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn giáo dục địa phương

Trong chương trình thời sự trước, chúng tôi đã phản ánh về những khó khăn của các nhà trường tại tỉnh Thanh Hoá trong triển khai dạy học môn giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do là môn học bắt buộc nên các nhà trường đang phải nỗ lực, sáng tạo và linh hoạt để tháo gỡ khó khăn, tìm cách giảng dạy phù hợp, hiệu quả nhất.

Để dạy học môn giáo dục địa phương, các cô giáo trường Tiểu học Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá đã tìm tòi, nghiên cứu các nội dung phù hợp để có thể lồng ghép vào các tiết dạy trải nghiệm. Nhà truyền thống Hàm Rồng, nằm ngay bên cạnh trường, được các cô ưu tiên lựa chọn với mong muốn cung cấp cho học sinh kiến thức về nền văn hoá Đông Sơn, về cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng anh hùng… ; truyền đến cho các em tình yêu quê hương, vùng đất nơi mình sinh sống.

Linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn giáo dục địa phương - Ảnh 2.

Cô giáo Lê Thị Thuỷ, Trường Tiểu học Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Cô giáo Lê Thị Thuỷ, Trường Tiểu học Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đến đây các con được tìm hiểu kiến thức lịch sử văn hoá địa phương, rất đầy đủ, các hiện vật tranh ảnh, và có những mô hình để các con tìm hiểu".

Ông Lê Xuân Giang, Cựu chiến binh phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Hàm Rồng là vùng đất vừa có lịch sử, có nền văn hoá, lại có chiến công hiển hách bảo vệ cầu Hàm Rồng. Phòng truyền thống là nơi hội tụ tất cả yếu tố đó. Làm sao để các cháu biết được mình sinh ra ở mảnh đất như thế nào".

Linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn giáo dục địa phương - Ảnh 3.

Đối với bậc tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Đối với bậc THCS, THPT, nội dung này được triển khai mỗi lớp 1 tiết 1 tuần, với tổng 35 tiết mỗi lớp trong 1 năm học.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá mới có cuốn tài liệu giáo dục địa phương chính thức cho khối lớp 1,2 và 6. Do là môn học bắt buộc, nên các nhà trường đã phải xoay sở, tìm cách ứng phó. Nhiều trường đã linh hoạt và sáng tạo tìm các giải pháp để dạy học với tinh thần khó đâu gỡ đó.

Linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn giáo dục địa phương - Ảnh 4.

Cô giáo Lê Phương Thảo, Trường THPT Trường Thi, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Để cho bài học được sinh động hấp dẫn, tôi cho học sinh thông qua các hình ảnh minh hoạ, video có liên quan đến chương trình nội dung bài học".

Linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn giáo dục địa phương - Ảnh 5.

Thầy giáo Vũ Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Dương, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Thầy giáo Vũ Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Dương, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Các thầy cô là những người trước mắt, trong thời điểm hiện tại là những người hoàn toàn chủ động trong việc cập nhật kiến thức, tiếp cận chương trình, tham khảo, tìm kiếm nguồn học liệu một cách chính xác phù hợp nhất, dưới sự hướng dẫn của chuyên môn nhà trường. Trong 3 năm học gần đây cũng đã đem lại hiệu quả".

Nội dung giáo dục địa phương được tổ chức theo hướng mở, mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội của địa phương, phát huy năng lực, tư duy hiểu biết, giáo dục học sinh lòng yêu nước, thể hiện ước mơ hoài bão. Với tầm quan trọng đó, ngoài sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi giáo viên, thì mong mỏi lớn nhất hiện nay của các nhà trường là được bổ sung thêm giáo viên chuyên trách và sớm có tài liệu chính thức để việc dạy học đảm bảo kế hoạch và chất lượng.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 09/11/2023