Lời kêu gọi EU xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc

19:51 - 06/06/2020

Trong bối cảnh làn sóng tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng tại nhiều nước trên thế giới sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd ở Mỹ, ngày 5/6, Cơ quan Các quyền cơ bản (FRA) của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước EU phải nỗ lực xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực nhằm vào người da màu

Trong một tuyên bố, Cơ quan Các quyền cơ bản cho biết nạn phân biệt chủng tộc, quấy rối và bạo lực mang tính sắc tộc đang trở nên phổ biến ở châu Âu. Giám đốc Cơ quan Các quyền cơ bản, Michael O'Flaherty nhấn mạnh: "Không một ai sẽ trở thành mục tiêu tấn công chỉ vì màu da của họ. Không ai phải sợ khi bị cảnh sát chặn lại chỉ vì họ là người da màu". Ông cũng kêu gọi các nước EU hợp tác với nhau để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.

Cùng ngày, giới chức Australia và Pháp đã cấm tổ chức các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc với lý do các cuộc tụ tập quy mô lớn có nguy cơ làm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo kế hoạch, trong ngày 6/6, khoảng 50.000 người Australia sẽ tham gia vào các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đồng thời cũng nhằm hướng sự chú ý tới nạn ngược đãi thổ dân Australia.

Còn tại Pháp, cảnh sát thủ đô Paris đã cấm một cuộc biểu tình dự kiến tổ chức vào ngày 6/6 ở trước Đại sứ quán Mỹ ở nước này. Theo Sở Cảnh sát Paris, quyết định trên được đưa ra do các cuộc biểu tình có nguy cơ gây rối loạn xã hội và gia tăng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã có hành động gây bất ngờ khi đeo khẩu trang, quỳ gối giữa đoàn người tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc trước khuôn viên tòa nhà Quốc hội Canada

Theo thống kê năm 2016, người Canada da màu phải đối mặt với những khó khăn kinh tế lớn hơn nhiều so với người Canada da trắng và các nhóm sắc tộc khác. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của người da đen cũng cao hơn các nhóm dân số khác ở Canada.

Cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại bang Minnesota, Mỹ, do cảnh sát gây ra đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ và lan sang nhiều nước khác trong những ngày qua. Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968.

Theo Bản tin TS tối 6/6