Lực lượng thú y tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá, do tác động của thời tiết, từ những tháng đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn một số địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh và Ninh Bùnh đã xuất hiện dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò và tái phát dịch tả lợn Châu Phi. Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm AH5N1, H5N6 từ các nước khác sang Việt Nam và vào Thanh Hoá cũng rất cao. Trước thực tế đó, cùng với chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi, lực lượng thú y trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống, không để dịch lây lan, bùng phát.

Với phương châm "Chủ động phòng chống, không chủ quan, buông lỏng và mất kiểm soát", lực lượng thú y từ xã, huyện đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y thời gian qua đều tập trung kiểm tra, giám sát mạnh khâu nhập giống, xử lý môi trường trong chăn nuôi và tiêm phòng bổ sung các mũi vắc xin. Các đơn vị cũng tăng cường tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. 

Lực lượng thú y tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 2.

Nhờ thực hiện nghiêm công tác phòng chống nên từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng ở 27 huyện, thị xã, thành phố đều không phát sinh các ổ dịch. Không có tình trạng lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ các tỉnh vào địa bàn Thanh Hoá. Bà Lê Thị Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hoá cho biết: "Chúng tôi luôn xác định công tác phòng chống là điều quan trọng hàng đầu, vì vậy việc tập trung kiểm soát dịch bệnh, chủ động các giải pháp để không lây lan luôn được ưu tiên triển khai".

Để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá đã chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo lượng vắc xin để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong đợt 1/2023. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá cũng chủ động liên hệ với các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối, bố trí lượng hóa chất để triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng định kỳ 1 tuần 2 lần ở các khu chăn nuôi.

Lực lượng thú y tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm - Ảnh 3.

Việc giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động và vật tư hóa chất phục vụ cho công tác chống dịch cũng được tăng cường thực hiện. Tại 2 chốt kiểm dịch lớn của tỉnh là Dốc Xây và Nghi Sơn luôn được lực lượng thú y duy trì trực, kiểm soát 24/24 giờ. Hiện tại, trong tổng số hơn 23 triệu con gia cầm, gần 1,1 triệu con lợn và gần 500 nghìn con trâu, bò đều được đảm bảo an toàn, không có dịch bệnh xảy ra. Bà Nguyễn Thị Lan, Tổ trưởng tổ chăn nuôi, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Nghi Sơn cũng cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo bà con nên thực hiện đủ các biện pháp mà ngành thú y đã tuyên truyền, trong đó chú trong đến công tác tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại, thời điểm này gia súc gia cầm rất dễ bị bệnh, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc giám sát, phòng bệnh".

Thời điểm này cùng với các biện pháp kỹ thuật và đẩy mạnh công tác phòng chống dịch mà ngành thú y đã triển khai, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm; chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã, phường cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm vững các biện pháp phòng chống, vận dụng vào thực tiễn tại gia đình mình một cách thiết thực, hiệu quả.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 26.3.2023