Mất an toàn giao thông từ hành vi nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện, vừa sử dụng điện thoại di động diễn ra rất phổ biến. Đây là thói quen hết sức nguy hiểm, và là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông thời gian qua.

Sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ làm người lái xe mất tập trung, tay lái không vững, khó giữ được khoảng cách an toàn với các phương tiện khác, khi xảy ra tình huống đột xuất sẽ không thể phản ứng nhanh như bình thường, dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông cao. Đặc biệt, khi xe lưu thông trên quốc lộ, đường cao tốc, nếu xử lý tình huống không kịp thời khi đang chạy tốc độ cao sẽ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có khoảng 80% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe mất tập trung (khoảng 3 giây) và do bấm điện thoại di dộng (khoảng 5 giây). 

Mất an toàn giao thông từ hành vi nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông - Ảnh 2.

Ghi nhận của phóng viên trên nhiều tuyến đường cả thành thị và nông thôn, vẫn còn rất nhiều người một tay lái xe, một tay sử dụng điện thoại, thậm chí có người chở hàng hoá cồng kềnh nhưng vẫn nghe điện thoại… Đặc biệt có người vừa điều khiển xe máy vừa nhắn tin, nghe nhạc, lướt mạng… Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm và mất an toàn khi tham gia giao thông.

Mất an toàn giao thông từ hành vi nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Bằng, Thành phố Thanh Hoá

Ông Vũ Văn Bằng, Thành phố Thanh Hoá cho biết:"Tôi tham gia giao thông trên đường thấy nhiều người vừa đi vừa nghe điện thoại không chú ý đến đi đường rất nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn, rất mong người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các lực lượng chức năng nên xử lý nghiêm."

Mất an toàn giao thông từ hành vi nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông - Ảnh 4.

Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định: Người lái xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe đang chạy trên đường sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tăng 1.000.000 đồng so với Nghị định 100/2019. Đối với người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô (kể cả các xe máy điện), sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng. 

Quy định như trên cơ bản là nghiêm khắc, nhưng ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp quy định của pháp luật. Trong khi đó, việc xử phạt còn nhiều khó khăn, bởi hành vi này thường diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, người vi phạm hay chối cãi, vì vậy thời gian qua việc xử lý lỗi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Mất an toàn giao thông từ hành vi nghe điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông - Ảnh 5.

Để đảm bảo an toàn giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe, để người dân nhận thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tăng cường phạt nguội thông qua camera giám sát hoặc sử dụng hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để xử phạt, nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện gây ra.


Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 17/11/2022