Mặt bằng 1876, thành phố Thanh Hóa: Hạ tầng thiếu đồng bộ

11:43 - 19/04/2019

(TTV) - Tháng 7/2014, UBND thành phố Thanh Hóa ra quyết định về kế hoạch đấu giá 17 lô đất tại mặt bằng 1876, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. Sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, các hộ dân tại mặt bằng này vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn khi hạ tầng điện của toàn bộ khu dân cư chưa hoàn thành, các hạ tầng đường giao thông, đường nước thì chỉ được hoàn thành sau khi người dân kiến nghị nhiều lần.

 

Tủ điện chỉ cách cửa nhà chưa đầy 2m, nhưng kể từ khi chuyển về sinh sống tại mặt bằng 1876, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, gia đình anh Nguyễn Trọng Dũng phải tự đấu nối đường dây điện dài đến hơn 100m sang khu dân cư bên cạnh mới có điện để sinh hoạt. Ngay cả công tơ cũng là gia đình tự lắp, chứ không hề  được trang bị trên hạ tầng sẵn có của khu  đô thị và ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Điện lực Thanh Hóa.

Anh Nguyễn Trọng Dũng, Lô C38, mặt bằng 1876, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết: Dây điện thì mình tự kéo, rồi thuê thợ đến lắp nên chập cháy suốt. Mà nối nhờ sang nhà người ta cũng nhiều phiền toái lắm, có vấn đề gì nửa đêm nửa hôm lại phải chạy sang nhờ, rất khổ.

Anh Nguyễn Trọng Dũng, Lô C38, mặt bằng 1876, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết: Dây điện thì mình tự kéo, rồi thuê thợ đến lắp nên chập cháy suốt. Mà nối nhờ sang nhà người ta cũng nhiều phiền toái lắm, có vấn đề gì nửa đêm nửa hôm lại phải chạy sang nhờ, rất khổ.

Theo những người dân ở mặt bằng 1876, để có điện sinh hoạt, từ năm 2016, một vài hộ vào ở trước đã bỏ ra khoảng 30 triệu đồng, tự trồng cột điện, sau đó kéo đường dây từ trạm biến áp của Bệnh viện Thanh Hà về dùng. Đến năm 2018, khu biệt thự sát cạnh mặt bằng có điện lưới, các hộ gia đình lại kéo nhờ đường dây từ khu dân cư này sang để giảm thiểu tải điện trên đường dây cũ.

Do là đường dây kéo nhờ, nên giá điện ở khu vực này rơi vào khoảng từ 2.700 đồng đến 3.000 đồng/số. Giá điện cao, thường xuyên xảy ra sự cố khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Lan, Mặt bằng 1876, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết:  Đáng lẽ chúng tôi mua đất xây nhà ở đây, nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng hạ tầng công cộng thiết yếu. Nhưng mấy năm qua rồi, đến cả bóng đèn cao áp chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền nối dây điện từ nhà chúng tôi thì mới có ánh sáng, chứ trước là tối om không thấy gì.

Cũng theo người dân, mặc dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng yêu cầu của UBND thành phố Thanh Hóa từ năm 2015, nhưng phải đến tháng 4/2018, khu dân cư này mới có đường bê tông và đến tháng 2/2019 mới được lắp đường nước sau nhiều lần kiến nghị.

Theo Nghị định 02 năm 2006 và Nghị định 11 năm 2013 của Chính phủ, khi Nhà nước tổ chức bán đấu giá đất cho hộ gia đình, cá nhân tại các dự án “khu đô thị mới” thì phải đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình dịch vụ khác. Chiếu theo quy định này, việc chủ đầu tư dự án đấu giá 17 lô đất tại mặt bằng 1876 là UBND thành phố Thanh Hóa không hoàn thiện hạ tầng trước khi người dân vào ở là việc làm thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi chính đáng của người dân./.

Tuyết Hạnh – Cao Tùng