Miền núi Thanh Hóa nỗ lực xây dựng nông thôn mới

17:07 - 11/08/2022

(TTV) - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ở khu vực miền núi. Cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi đã có những giải pháp tích cực để huy dộng mọi nguồn lực thực hiện chương trình này. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Trong những năm qua, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành đã vận động Nhân dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi được hơn 50 ha nuôi trồng thủy sản, làm trang trại tổng hợp… góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2021 lên 53 triệu đồng. Người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp gần 80 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa thôn, đường giao thông, các công trình phúc lợi xã hội, chỉnh trang nhà ở dân cư... Đó là kết quả sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới của toàn xã. Từ 1 địa phương nằm ở tốp cuối của huyện, đến nay, Thạch Long đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xã Nông thôn mới, diện mạo đời sống nông thôn nhiều khởi sắc. Xã đang phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm 2022.

Miền núi Thanh Hóa nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Xác định phát huy nội lực là cốt lõi để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, huyện Thạch Thành đặt ra mục tiêu phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân theo phương châm: "dân biết, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ’’. Vì vậy, Thạch Thành đã chọn các nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Ngay từ năm đầu thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện đã xây dựng các cơ chế để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn... Đồng thời, khuyến khích các xã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn vốn để xây dựng Nông thôn mới; kêu gọi sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê; vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng Nông thôn mới.

Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3 - 2022, toàn huyện đã huy động được hơn 100 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa thôn… Phong trào chỉnh trang khu dân cư, làm đường hoa, đường điện sáng được nhân dân nhiệt tình tham gia, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn. Tính đến thời điểm này, Thạch Thành có 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 9 xã và 113 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới; bình quân chung toàn huyện đạt 14 tiêu chí/xã. Năm 2025, Thạch Thành phấn đấu đạt Nông thôn mới toàn huyện.

Khi xây dựng nông thôn mới, huyện Quan Hóa có xuất phát điểm rất thấp. Do đó, ngay từ những ngày đầu, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động Nhân dân tham gia góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác trên địa bàn, nhằm tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, Quan Hóa đã từng bước phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Huyện đã có 1 xã và 36/107 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Miền núi Thanh Hóa nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa lúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 5/14 tiêu chí. Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh, bản Bút đã gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã vận động người dân đóng góp công sức làm đường giao thông; dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh... Các mô hình phát triển kinh tế cũng được nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, thu nhập bình quân của bản Bút đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 5%.

Huyện Quan Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 4/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với  liên kết sản xuất; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực miền núi Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 573 xã xây dựng NTM toàn tỉnh, có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc 7 huyện nghèo 30a. Các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình NTM còn hạn chế. Các công trình hạ tầng đầu tư ở thôn, bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi Thanh Hóa lựa chọn cách thức "dễ làm trước, khó làm sau", hướng đến mục tiêu có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM, động viên, hỗ trợ người dân "vượt qua chính mình". Các địa phương đã mở lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng làm NTM cho cán bộ từ huyện đến thôn, bản; ban hành chính sách khen thưởng, khơi dậy vai trò chủ thể trong nhân dân, đồng thời kêu gọi, vận động các sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ bà con dân bản xây dựng NTM.

Miền núi Thanh Hóa nỗ lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Đến hết tháng 6 năm 2022, trong tổng số 346 xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh thì khu vực miền núi đã có 58 xã, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 171 thôn bản nông thôn mới và 46 thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt tại 11 huyện miền núi đã 41 sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó huyện Như Xuân có tới 9 sản phẩm. Kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực; một số địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng, miền để thay thế cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành một số sản phẩm chủ lực, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.

Tại Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định: Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là 2 chương trình trọng tâm của tỉnh. Vì vậy trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ Quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, có hiệu quả./.


Nguồn: Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống 9.8