Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới

15:33 - 18/01/2023

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ở khu vực miền núi. Cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi đã có những giải pháp tích cực để huy dộng mọi nguồn lực thực hiện chương trình này. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Thọ, huyện Như Thanh lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm. Vì vậy, sau khi được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã Yên Thọ tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; đầu tư trang thiết bị và khuôn viên nhà văn hóa thôn; chỉnh trang nhà ở dân cư với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Đồng thời, xã hỗ trợ, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân... Đây cũng chính là những tiêu chí để xã Yên Thọ phấn đấu về đích Nông thôn mới kiểu mẫu trong trong năm 2024. Ông Lưu Đình Trực, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thọ, huyện Như Thanh cho biết: "Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, khi Ban Chỉ đạo triển khai đã nhận được sự đồng thuận, rất tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo. Chính vì thế, căn cứ vào tiêu chí Nhân dân rất hào hứng, rất phấn khởi, nhiều hộ cá nhân hiến đến 400 đến 500 m2 đất để mở rộng đường, tự giác, đi đầu trong các phong trào, cũng như bố trí cảnh quan bộ mặt của gia đình tường rào, cổng ngõ, tổ khu an ninh trật tự".

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Là huyện miền núi, nên khi bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới, huyện Như Thanh gặp không ít khó khăn. Xác định xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của mỗi người dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nên khi huyện tuyên truyền, vận động, Nhân dân các địa phương đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền tham gia xây dựng nông thôn mới. Do vậy, hơn 10 năm qua, huyện đã huy động được trên 2.300 tỷ đồng xây dựng Nông thôn mới,  trong đó riêng năm 2022, tổng giá trị huy động xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt trên 442 tỷ đồng.

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Như Thanh cũng ban hành nhiều chính sách như: hỗ trợ kích cầu các công trình về trường học, đường giao thông, hồ đập lớn, trạm y tế và hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, sản phẩm OCOP. Đến nay toàn huyện có 9/13 xã đã về đích nông thôn mới, đạt 69,2%, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 23,07%. Với kết quả trên, huyện Như Thanh được tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong xây dựng Nông thôn mới của 11 huyện miền núi. Ông Lương Văn Hoàn, Phó Bí thư Huyện ủy Như Thanh: "Một điều rất phấn khởi là 9/13 xã đã về đích nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện không có đơn thư khiếu kiện, không có kiến nghị về thu chi, đóng góp của Nhân dân. Có thể nói rất khách quan và đạt được mong muốn, huy động được đóng góp của Nhân dân rất tốt. Có xã, bà con rất đồng thuận, như Xuân Du có những thôn hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiện nay, xây dựng thôn kiểu mẫu rất đẹp".

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Cũng như các xã vùng cao biên giới của Thanh Hóa, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Để đẩy nhanh tiến độ, cấp uỷ, chính quyền xã Mường Mìn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng  theo hướng việc khó làm trước, việc dễ làm sau, trong đó phát huy  sức dân trong việc làm đường liên thôn liên bản. Địa phương cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, trong đó ưu tiên các loại cây, con có thế mạnh. 

Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Mường Mình đạt 30 triệu đồng 1 người 1 năm, 5/5 bản đạt nông thôn mới, trong đó có 1 bản nông thôn mới kiểu mẫu. Mường Mìn phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2023. Ông Lương Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn cho biết: "Đảng bộ và chính quyền xã Mường Mìn đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên Nhân dân vượt khó xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các hạng mục nhỏ, phù hợp, chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa".

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Nghị quyết Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định Chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba chương trình trọng tâm. Vì vậy, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động Nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả, đồng bộ chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác trên địa bàn, nhằm tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Huyện cũng đã từng bước phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. 

Đến nay huyện Quan Sơn có 2 xã và 56 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 thôn bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: "Đây có thể là kết quả đánh giá được sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhưng trong đó đặt biệt quan trọng là sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao của Nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo sức lan tỏa, làm thay đổi diện dạo nông thôn, nhất là ý thức của Nhân dân trong chăm lo cảnh quan. Chương trình tạo tiền đề chuyển biến mạnh mẽ trong thay đổi tư duy vươn lên thoát nghèo".

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực miền núi Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 573 xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc 7 huyện nghèo 30a. Các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình nông thôn mới còn hạn chế. Các công trình hạ tầng đầu tư ở thôn, bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi Thannh Hóa lựa chọn cách thức "dễ làm trước, khó làm sau", hướng đến mục tiêu có nhiều thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới sẽ có xã đạt chuẩn nông thôn mới, động viên, hỗ trợ người dân "vượt qua chính mình".

Các địa phương đã mở lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng làm nông thôn mới cho cán bộ từ huyện đến thôn, bản; ban hành chính sách khen thưởng, khơi dậy vai trò chủ thể trong Nhân dân, đồng thời kêu gọi, vận động các sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ bà con dân bản xây dựng nông thôn mới.

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Đến hết tháng 12 năm 2022, trong tổng số 349 xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh thì khu vực miền núi có 58 xã, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 692 thôn bản nông thôn mới. Đặc biệt tại 11 huyện miền núi đã có 72 sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó huyện Như Xuân có tới 11 sản phẩm. Kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực; một số địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng, miền để thay thế cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành một số sản phẩm chủ lực, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. 

Bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu hơn rộng hơn, nâng cao hơn về ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực tăng cường đầu tư, các chương trình, các dự án về giao thông, thủy lợi, điện đường… Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác chỉ đạo đối với hệ thống chính trị, phòng ban đơn vị hỗ trợ người dân xây dựng bản làng. Tăng cường hơn công tác kiểm tra giám sát".

Miền núi Thanh Hóa vượt khó xây dựng nông thôn mới - Ảnh 8.

Tại Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định: Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là hai chương trình trọng tâm của tỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, có hiệu quả.

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 17.1.2023