Mô hình khởi nghiệp từ sản xuất và phát triển các sản phẩm thảo dược

09:20 - 19/11/2023

Phát huy tiềm năng lợi thế của các cây trồng bản địa, chị Quách Thị Anh, thôn Sơn Minh, xã Luận Thành huyện Thường Xuân đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số sản phẩm thảo dược, tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Ý tưởng khởi nghiệp của chị Quách Thị Anh đã được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải khuyến khích cuộc thi “phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.

Sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cũng như tham khảo các chuyên gia về các các loại thảo dược mà huyện Thường Xuân đang có thế mạnh, năm 2020, chị Quách Thị Anh đã thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên. Các sản phẩm có nguyên liệu chính là các loại cây thảo dược bản địa, dựa trên các bài thuốc lưu truyền trong dân gian của người dân tộc Mường, dân tộc Thái, kết hợp với công nghệ hiện đại.

Mô hình khởi nghiệp từ sản xuất và phát triển các sản phẩm thảo dược- Ảnh 1.

Chị Quách Thị Anh, Tổ hợp tác Hương Quê, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân cho biết: "Người Mường xưa ít có điều kiện để được chăm sóc y tế, đã sử dụng thuốc nam chăm sóc sức khỏe ho, cúm, nước lá gội đầu. Bản thân tôi học hỏi chuyên gia và các gia làng, trường bản… ra các sản phẩm như hiện tại".

Từ thành công ban đầu, năm 2021, chị Quách Thị Anh đã quyết định thành lập Tổ hợp tác Thảo dược thiên nhiên Hương quê, với 7 thành viên là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Sơn Minh nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay tổ Hợp tác Hương quê có 17 sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đều có nguồn gốc từ các loại thảo dược thiện nhiên, trong đó có 2 sản phẩm vừa đạt chứng nhận OCOP là si rô húng chanh và cao tía tô. Si rô húng chanh được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên như: húng chanh, diếp cá, lá hẹ, đu đủ đực, táo đỏ, gừng, tỏi, mật ong, đường phèn, quả tắc... Các loại lá tươi sau khi hái được rửa sạch và ngâm qua nước muối loãng và được nấu cùng với các nguyên liệu khác theo tỉ lệ nhất định. Siro húng chanh có tác dụng chữa viêm họng rất hiệu quả. Cũng có thể dùng như một thức uống nâng cao sức để kháng được dùng hàng ngày, nhất là trẻ nhỏ.

Mô hình khởi nghiệp từ sản xuất và phát triển các sản phẩm thảo dược- Ảnh 2.

Cùng với si rô, cao tía tô cũng là 1 sản phẩm đặc trưng của Tổ hợp tác. Cao được làm từ những lá tía tô tươi. Các công đoạn chưng cất, lọc nước cốt, bột mịn và nấu thành cao cần tới hơn 100 giờ đồng hồ để thu được hỗn hợp đặc sánh là cao. Sản phẩm được nhiều chị em sử dụng trong chăm sóc da. Hiện nay, tổ hợp tác Hương Quê đã liên kết với 24 hộ dân để trồng nguyên liệu, nhưng vẫn chủ yếu là phân tán nhỏ lẻ. Do vậy, chị Quách Thị Anh đang có kế hoạch mở rộng liên kết sản xuất vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mô hình khởi nghiệp từ sản xuất và phát triển các sản phẩm thảo dược- Ảnh 3.

Chị Quách Thị Anh, Tổ hợp tác Hương Quê, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân

Chị Quách Thị Anh, Tổ hợp tác Hương Quê, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân cho biết thêm: "Trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu, sẽ liên kết với hộ dân dân bằng hợp đồng, Vietgap, theo tiêu chuẩn chất lượng mà chúng tôi đã đăng ký ban đầu".

Thành công của Tổ hợp tác Hương Quê đã góp phần bảo tồn, phát triển, nâng cao giá trị cây dược liệu bản địa, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 19/11/2023