Mô hình trồng riềng cho lợi nhuận trên 200 triệu/1 ha

08:40 - 13/11/2019

(TTV)- Từ chỗ chỉ vài hộ dân trồng trên đất vườn nhà, vài năm trở lại đây, cây riềng đã được nhiều hộ dân xã Công Liêm, huyện Nông Cống đưa lên vùng đồi thay thế những diện tích trồng mía, sắn kém hiệu quả. Mô hình chuyển đổi cây trồng này đã giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đây là vụ thứ 2 gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, ở thôn Cự Phú, xã Công Liêm chuyển đổi từ diện tích trồng mía sang trồng riềng. Với 1 ha riềng, gia đình chị đầu tư hết khoảng 40 triệu tiền giống.

Sau 12 tháng thu hoạch được trên 50 tấn. Với giá bán 6,5 triệu đồng/1 tấn cả rễ, trừ mọi chi phí, gia đình chị Xuân có lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Xuân- Thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống:  "Gia đình tôi chuyển từ mía sang cây riềng hiệu quả kinh tế cao, đỡ công chăm bón, giá trị gấp 3-4 lần mía "
Chị Nguyễn Thị Xuân- Thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống: "Gia đình tôi chuyển từ mía sang cây riềng hiệu quả kinh tế cao, đỡ công chăm bón, giá trị gấp 3-4 lần mía"

Trước đây, cây riềng được người dân xã Công Liêm trồng chủ yếu trên đất vườn nhà. Anh Nguyễn Văn Trung, ở thôn Cự Phú là hộ đầu tiên đưa cây riềng lên đất đồi, sau đó được một số hộ nhân giống để mở rộng diện tích. Năm 2017-2018, khi giá mía xuống thấp, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng cây riềng.

Cây riềng đặc biệt phù hợp với đất đỏ bazan và chịu được điều kiện khô hạn. Hiện nay, xã  Công Liêm có khoảng 25 ha riềng, tập trung trên đất đồi ở thôn Cự Phú, với hàng trăm hộ dân tham gia trồng. Riềng củ nông dân thu hoạch được thương lái thu mua theo hai loại, loại để cả rễ bán được 6,5 triệu đồng/1 tấn, loại cạo sạch rễ giá sẽ có giá 11 triệu đồng/ 1 tấn. 

Nếu trồng 1 năm, mỗi sào riềng sẽ đạt năng suất 2,5 tấn củ, nhưng nếu kéo dài thời gian lên18 tháng, năng suất đạt tới 3,7 tấn/sào.

Ông Mạch Xuân Hồng- Giám đốc HTXDVNN xã Công Liên, huyện Nông Cống:  "Diện tích riềng đang được mở rộng với tiềm năng đất đồi của xã có tới 150 ha, HTX đang  tìm hướng liên kết để có đầu ra ổn định bằng các các hợp đồng "
Ông Mạch Xuân Hồng- Giám đốc HTXDVNN xã Công Liên, huyện Nông Cống: "Diện tích riềng đang được mở rộng với tiềm năng đất đồi của xã có tới 150 ha, HTX đang tìm hướng liên kết để có đầu ra ổn định bằng các các hợp đồng"

So với các cây trồng khác trên địa bàn như: sắn, mía, củ từ, cây riềng đang là cây trồng  mang lại giá trị thu nhập cao nhất của xã Công Liêm. Hiện nhiều thương lái trong tỉnh và các tỉnh ngoài như  Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng đã tìm đến Công Liêm để thu mua riềng nên bà con thu hoạch đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái cũng sẽ dễ gặp rủi ro nếu nguồn cung thừa do mở rộng diện tích. Do vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ là điều kiện quan trọng để đảm bảo thu nhập ổn định từ cây trồng này.          

Theo THNM 13/11/2019