Mùa xuân đi chợ vùng cao

08:34 - 16/01/2023

Khi những cánh hoa đào nở rộ, khoe sắc khắp bản làng cũng là lúc những phiên chợ nơi vùng cao Thanh Hoá trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ở vùng cao, chợ là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên chợ không chỉ có mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, kết bạn.

Chợ cửa khẩu Na Mèo nằm trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là một trong những chợ biên giới Việt Nam – Lào, họp vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần. Từ 6 giờ sáng, cửa khẩu mở là lúc người dân phía huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào lần lượt di chuyển sang; người dân huyện Quan Sơn, tỉnh thanh Hoá cũng có mặt ở chợ. Các mặt hàng trao đổi tại chợ chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng của Nhân dân. Trong đó không thể thiếu các sản phẩm mang đặc trưng của vùng biên giới như ngọc cẩu, dưa Lào, chim gác bếp, cá suối, rau, củ, quả, mắc khẻn, dưa Mông, cải Mông, rêu đá… Tiểu thương ở chợ có người Lào, có người Việt Nam. Một tiểu thương thường bán rất nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi thứ một ít, là đồ của gia đình tự sản xuất hoặc săn bắt được.

Mùa xuân đi chợ vùng cao - Ảnh 1.

Chị Thorn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào cho biết: "Cứ đến thứ 7 hàng tuần là ở đây tổ chức họp chợ. Để có thể có mặt ở chợ lúc 6h sáng thì chúng tôi phải cõng hàng hoá đi từ lúc hơn 4h sáng. Gần Tết người đến mua bán đông hơn ngày thường rất nhiều. Sản phẩm của tôi mang sang đều là nông sản tự trồng, tự làm. Ở đây tôi và mọi người không chỉ có bán hàng lấy tiền, mà có khi là đổi hàng lấy hàng nếu 2 bên cùng đồng ý. Tiểu thương người Việt Nam cũng rất thích trao đổi đồ cùng chúng tôi".

Anh Vi Trọng Quỳnh, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Thứ 7 hàng tuần, hai bên tỉnh Hủa Phăn sang đây buôn bán, họp chợ, giao thương 2 bên, buôn bán đặc sản của Lào bán tại chợ Na Mèo. Tôi đến chợ Na Mèo từ lúc 6h để mua rau củ quả của nước bạn Lào. Phải đi sớm, không thì họ mua hết hàng. Đặc biệt rau quả nước bạn không bỏ phân, họ tự trồng".

Dịp cuối năm, các phiên chợ vùng cao cũng hết sức sôi động. Đây là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, kết bạn, trò chuyện. Chợ mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng về con người, vùng đất đó. Bởi vậy, chợ vùng cao được gắn thêm tên là chợ văn hóa, nơi thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Mùa xuân đi chợ vùng cao - Ảnh 2.

Ở các xã vùng cao Thanh Hoá, không phải ngày nào cũng có chợ. Nhiều chợ phiên chỉ mở vào thứ 7, có chợ lại mở vào ngày 11 và 21 hàng tháng, cũng có chợ chỉ mở đúng 2 buổi sáng ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần… Chính vì lẽ đó, mỗi lần chợ phiên họp đều rất sầm uất, đặc biệt vào dịp Tết cận kề, có thể thu hút hàng nghìn lượt người, trong đó có rất nhiều du khách thập phương. Do đó, trong đề án phát triển du lịch cộng đồng, một số địa phương đã có chủ trương gìn giữ nét truyền thống của phiên chợ, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn để khám phá khi về với vùng đất và con người nơi đây.

Ông Hà Văn Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đối với chợ Phố Đòn, do xu thế phát triển song song với khu du lịch sinh thái Pù Luông, lượng khách về đây tham quan rất đông, nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo được. Xã có đề xuất với các cấp nâng cấp chợ, thu hút doanh nghiệp vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng của chợ".

Mùa xuân đi chợ vùng cao - Ảnh 3.

Mỗi phiên chợ ngày xuân vùng cao Thanh Hóa đều có nét đặc sắc riêng, nhưng đều gợi lên cuộc sống thanh bình, no ấm, đoàn kết; là sự hội tụ những nét văn hóa cổ truyền từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc. Xuống chợ ngày xuân là văn hóa, là bản sắc và là sự giao hòa của đất trời, lòng người. Vì thế, cứ mỗi dịp xuân về, đồng bào lại náo nức "hạ sơn", đến với những phiên chợ nơi núi rừng mờ xa.