Mỹ rút giấy phép đối với thuốc Bebtelovimab điều trị COVID-19 sử dụng kháng thể

19:09 - 04/12/2022

Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) mới đây thông báo rút giấy phép đối với thuốc bebtelovimab điều trị COVID-19 sử dụng kháng thể vì không hiệu quả với các dòng phụ BQ.1 và BQ.1.1 của biến thể Omicron đang phổ biến ở nước này.

(Ảnh minh họa: Medical Xpress)

(Ảnh minh họa: Medical Xpress)

Theo thông báo từ FDA, Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ đang cân nhắc đưa ra quyết định đối với Bebtelovimad và công ty sản xuất Eli Lilliy cũng tạm dừng phân phối thương mại loại thuốc này cho tới khi có thông báo mới. Cụ thể, thuốc không có hiệu quả điều trị đối với các dòng BQ.1 và BQ.1.1 của Omicron, những dòng phụ đang chiếm tới gần 60% số ca mắc mới tại Mỹ. Tuy nhiên, FDA không loại trừ khả năng sẽ cấp phép trở lại cho Bebtelovimad khi các biến thể trước đây mà thuốc này điều trị hiệu quả phổ biến trở lại.

Thuốc Bebtelovimab là loại thuốc tiêm 1 liều điều trị cho người mắc COVID-19 và có nguy cơ bệnh nặng mà không thể sử dụng các loại thuốc khác đã được FDA cấp phép như thuốc uống Paxlovid.

Nhiều người có hệ miễn dịch kém, như các bệnh nhân cấy ghép, không thể sử dụng thuốc Paxlovid cùng những loại thuốc khác mà họ đang được chỉ định.

Giới chức y tế Mỹ cảnh báo những người có hệ miễn dịch kém với COVID-19 có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh hơn trong mùa Đông này vì những dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng vô hiệu hóa các phương thức điều trị sử dụng kháng thể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã kêu gọi những người có hệ miễn dịch kém xin tư vấn của bác sỹ về những biện pháp phòng ngừa bổ sung để đảm bảo an toàn trong mùa Đông tới.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, giới chức các địa phương đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19. Ngày 3/12, thủ đô Bắc Kinh đã đóng cửa bớt các điểm xét nghiệm, sau khi bãi bỏ quy định yêu cầu người dân phải trình kết quả âm tính khi vào các địa điểm công cộng như siêu thị. Quy định này cũng sẽ được bãi bỏ với hệ thống tàu điện ngầm kể từ ngày 5/12.

Một số nơi đã bắt đầu cho phép những ca bệnh nhẹ và không triệu chứng được phép cách ly điều trị tại nhà. Sau Thành Đô và Thiên Tân, thành phố Thâm Quyến, trung tâm kinh tế ở miền nam Trung Quốc, đã bỏ việc trình những xét nghiệm âm tính trên phương tiện công cộng và tại các công viên.

Theo số liệu từ Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 3/12, nước này tiếp tục ghi nhận hơn 31.000 ca mắc mới, phần lớn là các trường hợp không có triệu chứng.

Trước đó, trong bối cảnh số ca nhiễm tại nhiều khu vực của Trung Quốc đang tăng lên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trên quy mô toàn cầu, 90% dân số thế giới đã có sức đề kháng nhất định với COVID-19 thông qua tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh trước đó. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, dù giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã gần kết thúc nhưng thế giới vẫn không thể chủ quan, bởi các lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, tiêm phòng có thể tạo điều kiện cho biến chủng mới xuất hiện với mức độ nguy hiểm cao hơn omicron hiện nay.

Hiện có khoảng 500 biến thể phụ khác nhau của omicron với khả năng lây truyền cao và "lẩn tránh" được hệ miễn dịch đang lưu hành trên toàn cầu.

Bình luận về cách giải quyết những lỗ hổng toàn cầu trong việc tiêm chủng, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, cơ quan này muốn các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, tập trung vào việc tiếp cận những người có nguy cơ, điển hình như những người trên 60 tuổi và người mắc bệnh tiềm ẩn.

Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết, việc Trung Quốc đang điều chỉnh các chiến lược kiểm soát COVID-19 hiện tại là điều đáng khích lệ. Bản thân Ông hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có một chiến lược mạch lạc và rõ ràng, giúp cân bằng giữa việc kiểm soát Virus Sars-Cov-2 với sinh kế và phúc lợi của người dân.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 4/12