Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy thương mại điện tử

09:51 - 19/04/2023

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử thì dịch vụ vận chuyển giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền đưa hàng hóa từ người bán đến người mua. Khi mà bên bán và bên mua không trực tiếp giao dịch thì chất lượng dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa chính là yếu tố quyết định góp phần tạo nên lòng tin cho khách hàng.

Để sản phẩm nhanh chóng đến được tay khách hàng thì nhiềucửa hàng đã phải chọn lựa rất kỹ đơn vị vận chuyển, giao nhận hàng hóa cho mình.

Anh Hà Văn Đức, nhân viên kho hàng Yody Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bên giao hàng mà có dịch vụ tốt thì tỷ lệ giao hàng thành công rất cao. Nhận hàng nhanh, giúp chúng tôi kiểm soát đơn hàng tốt hơn, hoàn tiền về nhanh hơn, nếu có vấn đề gì phát sinh thì liên hệ bên chúng tôi luôn, khách hàng phản hồi tích cực và lần sau sẽ mua lại".

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy thương mại điện tử - Ảnh 2.

Trong thương mại điện tử, vai trò cốt yếu của vận chuyển là cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh, chính xác và hiệu quả. Để đạt được điều này thì các đơn vị, doanh nghiệp vận chuyển phải không ngừng mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, cải thiện năng lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tại Trung tâm khai thác vận chuyển thuộc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận gần 70 tấn hàng hóa, tương đương 40.000 bưu gửi cần phải vận chuyển. Song với gần 700 điểm giao nhận trên địa bàn toàn tỉnh, cùng lực lượng nhân viên bưu phát đông đảo thì thời gian xử lý hàng hóa đã được rút ngắn đáng kể.  

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy thương mại điện tử - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Văn Minh, Nhân viên giao phát hàng, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi giao khoảng 100 -120 đơn, trường hợp khách hàng mà muốn đổi địa chỉ giao nhận thì chúng tôi vẫn hỗ trợ giao đến địa chỉ mới, làm sao để giao hàng hiệu quả, an toàn nhất.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khai thác vận chuyển, Bưu điện tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Chúng tôi liên tục cải thiện thời gian giao nhận hàng như nội tỉnh chỉ trong 24h, nội miền là 48 giờ,.... Cùng với đó, chúng tôi linh hoạt phương thức giao nhận hàng để hỗ trợ khách hàng tốt hơn".

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 800 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, vận chuyển, giao nhận hàng. Trong năm 2022, số lượng giao dịch mua hàng trực tuyến của người Việt lên đến hơn 51 triệu lượt. Để tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm trực tuyến, các đơn vị vận chuyển đã nỗ lực ứng dụng công nghệ số cũng như đa dạng giải pháp tiện ích trong quá trình giao nhận hàng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy thương mại điện tử - Ảnh 4.

Ông Đoàn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Thanh Hóa

Ông Đoàn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay 65% hàng hóa vận chuyển của Viettel là từ các sàn thương mại điện tử và các đơn vị kinh donah. Viettel đã áp dụng công nghệ số vào quản lý đơn hàng. Tất cả các khâu đều được quản lý trên phần mềm, khách hàng có thể theo dõi hành trình đơn hàng, thanh toán trực tuyến trên hệ thống, đảm bảo an toàn dòng tiền".

Một cuộc khảo sát cho thấy 96% người mua sắm trên mạng sẽ quay lại cùng một cửa hàng trực tuyến sau khi có trải nghiệm giao hàng tích cực. Còn theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, 57% người tiêu dùng quan tâm đến tiêu chí "giao hàng nhanh và linh hoạt" khi mua sắm trực tuyến. Điều này cho thấy giữa thương mại điện tử và dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng đang có mối liên kết chặt chẽ, tương trợ đắc lực cho nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 19/4