Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề

09:15 - 09/10/2023

Giai đoạn 2021 -2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hoá đã tuyển sinh và đào tạo trên 250.000 người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73%, trong đó 29% có văn bằng, chứng chỉ. Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh có chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Xác định gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo là 1 cơ chế hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần nhân lực ngành nào thì nhà trường đào tạo ngành đó. Nhà trường chủ động trong việc hợp tác với doanh nghiệp để tăng thời gian đào tạo, thực hành cho học sinh, sinh viên; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu đào tạo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề - Ảnh 2.

Đây là cách mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hoá triển khai nhiều năm qua, cũng là cách các doanh nghiệp đang làm để chủ động trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề - Ảnh 3.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá cho biết: "Việc đào tạo trong lĩnh vực GDNN cần tăng tỉ trọng rèn nghề nên chúng tôi xây dựng kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia với nhà trường ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, đặc biệt tham gia vào quá trình rèn nghề, thực hành, thực tập và đầu ra cho các em".

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn cho biết thêm: "Việc phối hợp với doanh nghiệp là một trụ cột trong vấn đề đào tạo, đây là 1 chủ trương rất quan trọng. Hơp tác với doanh nghiệp để học sinh sinh viên thực tập và trải nghiệm, đào tạo không chỉ về chuyên môn mà còn cả tác phong, ý thức, an toàn lao động".

Còn đối với học sinh, sinh viên, ngoài được học lý thuyết và thực hành ở trường, các em còn được đi thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, được trả lương học việc và quan trọng hơn là được doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Em Trương Thị Thuỷ, nhân viên Sơ đồ rập, Nhà máy may B85, thị xã Nghi Sơn cho biết: "Sau khi được các thầy cô đào tạo ở trường thì tôi được đi thực tập, nâng cao tay nghề, ra trường có làm ở công ty của nhà trường giới thiệu".

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề - Ảnh 4.

Tỉnh Thanh Hoá hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 9 tháng năm 2023, các trường nghề đã tuyển sinh được gần 60.000 người, đạt trên 71% kế hoạch năm và bằng gần 102% so với cùng kỳ năm 2022. Học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm lên tới trên 90%. Có được điều đó là do các trường nghề đã tuyển sinh gắn liền với tuyển dụng, từng học viên được xác định ngành đào tạo gắn với vị trí việc làm, không đào tạo tràn lan, lãng phí… theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề - Ảnh 5.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Sở sẽ tiếp tục có các giải pháp như tập trung triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và địa phương, tập trung vào dự báo nhu cầu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhu cầu của thị trường lao động để từ đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp".

Tỉnh Thanh Hoá đặt mục tiêu phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu; chú trọng tuyển sinh và tổ chức đào tạo các ngành nghề xã hội có nhu cầu, gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV