Nâng cao giá trị cho sản phẩm cây trồng bản địa quýt hoi huyện Bá Thước

08:43 - 08/12/2021

(TTV) - Quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi) là loài cây bản địa có nguồn gốc tại vùng núi cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Sau một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, diện tích bị thu hẹp, gần đây cây quýt hoi bản địa đã được huyện Bá Thước quan tâm phục tráng gắn với chế biến, tiêu thụ, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. Không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, các sản phẩm chế biến từ quýt hoi đã và đang trở sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng núi cao Bá Thước được nhiều người biết đến.

 

Trong những ngày này, nhiều người dân ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đang tập trung thu hoạch quýt hoi. Cây thường cho quả vào mùa đông xuân, từ tháng 11 âm lịch đến tháng 1 năm sau. Hầu hết quýt ở đây đều là cây trồng đã lâu năm, nên việc thu hoạch khá vất vả, nhưng người dân vẫn phấn khởi vì năm nay quýt đã được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.

Quýt hoi là loại cây mọc trên núi cao của huyện Bá Thước, xen lẫn với các cây lâm nghiệp. Người dân địa phương thường dùng vỏ quýt hoi để làm trà dùng trong gia đình, hoặc ngâm quả với mật ong trị ho, nhiều món ăn của người dân miền núi cũng dùng vỏ quýt, lá quýt để làm gia vị. Tuy là loài cây dễ tính, nhưng do trong thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích. Để khôi phục và phát triển giống quýt hoi, thời gian qua, cùng với thực hiện đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước”, huyện Bá Thước đã lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón, hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình, nhờ đó quýt hoi đang dần được hồi phục. Đặc biệt, từ khi có doanh nghiệp thu mua, chế biến, bà con nông dân đã có động lực hơn để phát triển cây trồng này.

Chị Hà Thanh Nhàn (bên phải) hướng dẫn người dân cách hái quả giữ được cuống lá.
Chị Hà Thanh Nhàn (bên phải) hướng dẫn người dân cách hái quả quýt hoi.

Để làm được trà quýt hoi, chị Hà Thanh Nhàn (Công ty TNHH Puluong Cuisine) thường đến các rừng quýt, hướng dẫn người dân cách hái quả giữ được cuống lá. Đây cũng là cách vừa đảm bảo chất lượng nguyên liệu, vừa giúp cây phát triển tốt hơn cho vụ sau. Quýt sau khi thu mua về được rửa qua nước sạch, để ráo nước và tách vỏ. Vỏ quýt sẽ được sấy khô, đưa vào máy cắt sợi và tiếp tục đưa vào sấy ở nhiệt độ thấp một lần nữa để cho ra thành phẩm trà quýt hoi. Trà đạt tiêu chuẩn phải giữ  được màu sắc, tinh dầu và hương vị đặc trưng. Múi quýt cũng sẽ được chế biến thành siro trị ho; phụ phẩm còn lại của múi quýt được dùng làm chất tẩy rửa. Hiện nay, trà quýt hoi cũng như các sản phẩm chế biến từ quýt của Công ty TNHH Puluong Cuisine được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Hiện nay, huyện Bá Thước có gần 60 ha quýt hoi, tập trung ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, số còn lại được trồng rải rác ở các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm. Năm 2021 này, Công ty TNHH Puluong Cuisine liên kết thu mua cho bà con với diện tích khoảng 30  ha. Theo tính toán 1 ha quýt thu hoạch bình quân 6 tấn/năm, cho thu nhập 70-90 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 120-150 triệu đồng/ha/năm. Quýt hoi được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện Bá Thước, trà quýt hoi đang được Công ty TNHH Puluong Cuisine  xây dựng hướng tới sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022./.

Theo Thanh Tâm - Văn Tráng/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 8/12