Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở

Trong thời gian qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ qui hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công tác điều động, luân chuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý theo các qui định của Trung ương và của Tỉnh ủy đã được các Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Đồng thời công tác luân chuyển cán bộ được xác định là một trong những khâu đột phá, góp phần đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác cán bộ của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Thực tế cho thấy nhiều địa phương đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả trong công tác điều động luân chuyển cán bộ, từ đó góp phần ổn định và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Nằm về phía Bắc, cách trung tâm huyện Nga Sơn gần 10km, phía Nam tiếp giáp với huyện Kim sơn, tỉnh Ninh Bình, xã Nga Điền có diện tích rộng 11,17 km2 với dân số hơn 11 nghìn dân, là một xã thuần nông của huyện Nga Sơn đang còn gặp rất nhiều khó khăn về phát triển kinh tế xã hội. Từ yêu cầu thực tế của địa phương, Huyện Nga Sơn đã quyết định điều động luân chuyển cả hai vị trí chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã. 

Từ tháng 5 /2019 Ông Phạm Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã Nga Phú được điều động luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND xã Nga Điền; từ tháng 3/2022 Ông Mai Xuân Quang là Phó ban Tổ chức Huyện uỷ Nga Sơn được điều động luân chuyển xuống đảm trách vị trí Bí thư Đảng ủy xã Nga Điền.

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 1.

Mặc dù thời gian xuống địa bàn cơ sở chưa dài, môi trường công tác có nhiều sự khác biệt, tuy vậy Ông Mai Xuân Quang đã dành nhiều thời gian khảo sát thực tế cùng với cấp ủy, chính quyền triển khai các ý tưởng, tìm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất của địa phương.

Ông Mai Xuân Quang, Bí Thư Đảng ủy xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Trong công tác điều động luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Nga Sơn đã ưu tiên chọn lựa các cán bộ trẻ từ các phòng ban chuyên môn của huyện vừa có trình độ chuyên môn, vừa năng động và nhiệt huyết để tăng cường xuống các xã đang còn gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 3 năm 2022, Anh Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1987 công tác tại UBND huyện với chức danh là Phó trưởng phòng Kinh Tế - hạ tầng, được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động, luân chuyển về làm Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND Xã Nga Phượng. Đây là một xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị Nga Lĩnh và xã Nga Nhân.

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 3.

Trong môi trường công tác mới, có khó khăn ban đầu, nhưng với tinh thần, trách nhiệm trong công việc Anh Nguyễn Thanh Phong đã nhanh chóng khắc phục, hòa nhập, tìm tòi các giải pháp để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về Qui hoạch, đất đai, xây dựng và thực hiện tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp.

Ông Mã Văn Gần, Bí thư Đảng ủy xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn

Thực hiện Qui định 98 của Bộ Chính trị, và các qui định liên quan của Trung ương và của Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, từ tháng 10/2017 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Nga Sơn đã thực hiện luân chuyển điều động 9 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và luân chuyển điều động 41 cán bộ từ xã này sang xã khác; luân chuyển điều động 30 cán bộ từ ngành này sang ngành khác. 

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 5.

Theo đánh giá của Huyện ủy Nga Sơn, các cán bộ được điều động, luân chuyển đều phát huy phẩm chất, năng lực công tác, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có những thay đổi trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, góp phần ổn định tình cơ sở.

Đồng chí Hàn Duy Điều, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nga Sơn.

Trong những năm qua, để triển khai thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, Huyện Hoằng Hóa đã tổ chức quán triệt và cụ thể hóa Quy định số 98 của Trung ương và Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Theo đó Huyện ủy Hoằng Hóa đã xây dựng đề án "Điều động luân chuyển cán bộ chủ chốt, công chức cấp xã, thị trấn"; ban hành đề án "Điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện về đảm nhận các chức vụ chủ chốt tại xã, thị trấn".

Hoằng Trường là xã ven biển của Huyện Hoằng Hóa, trong thời gian gần đây, địa phương này đã và đang thu hút một số dự án đầu tư đô thị và du lịch qui mô lớn, đặc biệt xã Hoằng Trường nằm trong phạm vi điều chỉnh qui hoạch mở rộng Đô thị Hải Tiến đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xuất phát từ yêu cầu cầu thực tế, Huyện ủy Hoằng Hóa đã điều động một cán bộ có kinh nghiệm từ huyện xuống đảm trách vị trí Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường để nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 7.

Năm 2020, sau khi được điều động luân chuyển xuống cơ sở, Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND Xã Hoằng Trường đã thể hiện tốt vai trò của mình, đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý qui hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư phát triển đô thị du lịch trên địa bàn xã Hoằng Trường được triển khai thuận lợi.

Từ khi có Quy định 98 của Trung ương được ban hành đến nay, huyện Hoằng Hóa đã điều động luân chuyển được 52 cán bộ, trong đó luân chuyển 8 cán bộ công tác ở huyện về công tác tại xã, thị trấn; luân chuyển từ xã này sang xã khác 29 cán bộ và 15 cán bộ được luân chuyển từ ngành này sang ngành khác. Việc kết hợp luân chuyển cán bộ, từng bước thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, góp phần thúc đẩy xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, giữ vững ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 9.

Thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều động luân chuyển cán bộ ở huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa và một số địa phương trong tỉnh cho thấy các địa phương đang còn gặp phải một số khó khăn, bất cập. Biên chế cán bộ, công chức cấp huyện hiện nay còn thiếu, cộng với do sáp nhập các xã, thị trấn cán bộ, công chức dôi dư, dẫn đến việc luân chuyển cán bộ đi cơ sở chưa được nhiều. Đối với luân chuyển cán bộ từ xã chuyển lên huyện thì điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ chưa đáp ứng. Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển tuy đã được quan tâm, song nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất như nhà công vụ, điều kiện làm việc và sinh hoạt của cán bộ luân chuyển còn khó khăn….

Nâng cao hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở - Ảnh 10.

Ngày 28/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65 về luân chuyển cán bộ, để tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ và tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện. Để thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ trong thời gian tới đạt hiệu quả, cùng với thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về công tác luân chuyển cán bộ, các địa phương rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời về những cơ chế chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích, động viên, tạo các điều kiện thuận lợi cho cán bộ khi được điều động luân chuyển về địa phương yên tâm công tác và hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ được tổ chức phân công.

Nguồn: Chuyên mục Xây dựng Đảng ngày 21.10