Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

08:21 - 15/09/2023

Ngày 6/9/1997, Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập tổ chức Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý trên cả nước đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nhiều đối tượng, giúp những người yếu thế trong xã hội hiểu biết pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác trợ giúp pháp lý đang ngày càng được quan tâm; chất lượng, hiệu quả dần được cải thiện và nâng cao.

Tính từ khi thành lập đến năm 2017 (trước khi Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành), Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thực hiện trợ giúp pháp lý gần 24.500 vụ việc cho 24.502 đối tượng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý - Ảnh 2.

Sau khi Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực (từ năm 2018 đến nay), Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện 3.697 vụ việc. Số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành từ khi thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, 100% trợ giúp viên pháp lý đều hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý - Ảnh 3.

Chị Hoàng Thị Thủy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa

Chị Hoàng Thị Thủy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Với tinh thần, trách nhiệm trong công việc, trợ giúp viên pháp lý đã và đang dùng kiến thức, kỹ năng, tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp của mình, khắc phục khó khăn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng cho người được trợ giúp pháp lý".

Trong những năm gần đây, với việc thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 5264, ngày 14/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường thực hiện vụ việc, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, số vụ việc tham gia tố tụng do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã tăng lên đáng kể. Nếu như những năm đầu, vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu là tư vấn, trung bình mỗi năm Trung tâm chỉ thực hiện được 50-60 vụ việc tham gia tố tụng, thì hiện nay số vụ việc tham gia tố tụng do Trung tâm thực hiện trung bình mỗi năm từ 700-800 vụ việc. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý - Ảnh 4.

Từ khi triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017, hàng năm Trung tâm trợ giúp pháp lý thành lập các Tổ thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó, 100% vụ việc hoàn thành đều được thẩm định đánh giá chất lượng trước khi thanh toán. Tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm trên 80%.

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý - Ảnh 5.

Ông Phạm Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trên địa bàn xã có một số đối tượng đã được trợ giúp pháp lý, bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng. Chúng tôi đã tích cực phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý để tuyên truyền cho người dân biết về quyền của mình, hiệu quả công tác phối hợp ngày càng nâng cao".

Ngoài ra, hàng năm Sở Tư pháp cũng thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Qua kiểm tra, thẩm định, Đoàn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp không phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ các hồ sơ trợ giúp pháp lý được lựa chọn đánh giá. Số hồ sơ đạt chất lượng tốt chiếm trên 80%.

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý - Ảnh 6.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Ngọc Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác truyền thông để thực hiện tốt hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý cho từng nhóm đối tượng".

Thời kỳ mới đi vào hoạt động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn, thử thách như đội ngũ nguồn nhân lực làm việc ít. Trải qua quá trình xây dựng để trưởng thành, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp để góp phần nâng cao năng lực tổ chức. Hiện nay, tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã được kiện toàn theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, từ khi Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực đến nay, về tổ chức bộ máy đã được kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ được quy định cụ thể hơn; hoạt động trợ giúp pháp lý có nhiều kết quả tích cực.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 15/9