Nâng cao nhận thức người dân trong việc quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng

Để xây dựng và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Trước năm 2020, ông Đào Văn Đường, thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân được tham gia lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây mía, do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa tổ chức. Với kiến thức được tiếp thu, ông áp dụng vào sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực, lợi nhuận từ 30% tăng lên 50% so với tổng chi phí. Để cập nhật thêm kiến thức, kỹ thuật mới, đầu năm 2022, ông tiếp tục tham gia lớp đào tạo giảng viên TOT trên cây mía. Không chỉ áp dụng vào sản xuất, ông còn truyền lại những kiến thức đã học cho các hộ trồng mía tại địa phương.

Ông Đào Văn Đường - Thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, trong học tập lần này chúng tôi có thể là chuyên gia để truyền cảm lại cho bà con nông dân ở các vùng mía. Làm sao để tâp trung khoa hoc kỹ thuật về công tác phòng trừ, bảo vệ sâu bệnh, nghiên cứu  diệt trừ sâu bệnh để cây mía phát triển theo từng chu kỳ. Trên cơ sở làm sao đó để cây mía phát triển, đưa năng suất cao".

Nâng cao nhận thức người dân trong việc quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng - Ảnh 2.

Năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa triển khai đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, mía, ngô và rau màu, nhằm giảm bớt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng nông sản, xây dựng và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Chi cục đã mở 4 lớp tập huấn, đào tạo được 120 giảng viên TOT cấp tỉnh về chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất cây trồng; mở 24 lớp tập huấn cho 1.250 lượt nông dân nắm vững các nguyên tắc, phương pháp và áp dụng có hiệu quả việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao, bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Qua đây, bà con được trang bị thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Từ đó, kịp thời phát hiện và khống chế các loại dịch hại khi mới phát sinh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất, gắn với chế biến xuất khẩu.

Nâng cao nhận thức người dân trong việc quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng - Ảnh 3.

Ông Bùi Ngọc Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Ngọc Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: " Hội nghị tập huấn đã truyền tải đến cho bà con nông dân những kiến thức về sử dụng phân bón, thuốc bảo về thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Trên cơ sở như vậy, về phía địa phương chúng tôi đã chỉ đạo cho nhân dân  áp dụng vào sản xuất  vụ đông xuân 2022 trên địa bàn xã, đặc biệt là một số loại cây trồng trong đó có cây ngô sinh khối, để làm sao tăng năng suất, sản lượng, đem lại hiệu quả cho người sản xuất."

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% xã, phường sản xuất các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu được đào tạo về quản lý dịch hại; có 80% số hộ sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng; diện tích cây trồng được ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp từ 75% đến 85% , và mỗi xã phường có ít nhất 1 mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp đối với những loại cây trồng chủ lực. Để đạt mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật mới phù hợp với sản xuất hiện nay, tổ chức hội thảo đầu bờ các mô hình áp dụng IPM trên cây trồng có hiệu quả để tiếp tục nhân rộng. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Bản tin THNM 25/9/2022