Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp

22:15 - 18/12/2022

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp luôn là vấn đề cần thiết, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc phát triển đảng trong các doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp FDI gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn đó, tỉnh Thanh Hóa và Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát triển đảng ở từng loại hình doanh nghiệp.

Thời gian qua, ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, công tác phát triển Đảng đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng đảng viên cũng từng bước được nâng lên, nhất là về trình độ học vấn. Nhìn chung, đội ngũ đảng viên mới có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong trong học tập, công tác, lao động sản xuất.

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các đảng viên trong doanh nghiệp luôn là những hạt nhân chính trị, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, có nhiều sáng kiến mới, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Chị Vũ Thị Lan Anh, Chi bộ Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Lam Sơn, Đảng bộ Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn chia sẻ: "Đảng viên trẻ là những người luôn luôn cố gắng, khát khao dám vươm lên vượt khó, giữ vững những giá trị của doanh nghiệp, mong muốn đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp".

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và Đảng bộ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2019 đến nay, Đảng bộ Khối đã thành lập được 26 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; trong đó có 3 Đảng bộ, 7 Chi bộ cơ sở và 16 Chi bộ thuộc Đảng bộ cơ sở. Năm 2022, Đảng bộ Khối kết nạp thêm 497 đảng viên mới, đạt 142% kế hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, trong đó các doanh nghiệp kết nạp thêm 104 đảng viên mới.

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 3.

Các tổ chức Đảng đã phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thành, Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh nam Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi nhận thức rõ Đảng là tổ chức hạt nhân của doanh nghiệp. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua việc xây dựng các mục tiêu, nghị quyết để phát triển doanh nghiệp và phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển".

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập được tổ chức Đảng chưa nhiều. Đến nay, Thanh Hóa có 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 327.000 lao động; nhưng mới chỉ 367 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, chiếm 1,79% số doanh nghiệp toàn tỉnh. Số tổ chức cơ sở Đảng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với quy mô và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác phát triển Đảng ở nhiều doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng tổ chức Đảng thành lập trong doanh nghiệp thấp là do người chủ chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của tổ chức Đảng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nên chưa mặn mà với việc này. Bên cạnh đó, nhiều công nhân, người lao động cũng chưa có định hướng, mục tiêu phấn đấu vào Đảng.

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 4.

Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa là nơi tập trung đông công nhân lao động nhất trong toàn tỉnh, với tổng số hơn90.000người. Thời gian qua, số doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ngày càng phát triển, chất lượng đời sống của công nhân cũng có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức, tác phong công nghiệp; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tăng lên đáng kể. Tư tưởng chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tin đối với Đảng, Nhà nước được củng cố. Vị thế, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và công nhân lao động ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức cơ sở Đảng; đảng viên trong doanh nghiệp phải sinh hoạt Đảng tại nơi cư trú. Để phát triển được các tổ chức Đảng, đảng viên trong khu vực này, cần quan tâm xây dựng nòng cốt trong công nhân. Tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp phải xây dựng nguồn bằng cách tạo điều kiện cho những người có phẩm chất tốt, thành tích cao trong lao động sản xuất đảm nhận các vị trí phù hợp, để có môi trường rèn luyện, phấn đấu.

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 5.

Hơn 80% công nhân, người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước ở lứa tuổi thanh niên.Việc phát triển cơ sở Đảng và đảng viên ở khu vực này là đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự liêm chính của những cán bộ thực thi công vụ, để tạo niềm tin, thuyết phục doanh nghiệp quan tâm tới công tác xây dựng Đảng.

Thực tế cho thấy, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu thành lập được tổ chức Đảng thì đây sẽ là chỗ dựa vững chắc, giúp các đảng viên, người lao động yên tâm, tích cực thi đua lao động sản xuất, đóng góp cho sự  phát triển bền vững của doanh nghiệp. Từ  đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các phong trào thi đua của công nhân viên chức lao động tỉnh Thanh Hóa. 

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 6.

Ông Ngô Thế Anh, Ủy viên Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam-Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

Ông Ngô Thế Anh, Ủy viên Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho biết: "Được sự chỉ đạo cua Đảng ủy cấp trên, công đoàn đã khảo sát và phát hiện nhiều cán bộ công đoàn cơ sở muốn phấn đấu vào Đảng. Mong muốn tập trung xây dựng bồi dưỡng, phát triên Đảng để có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất".

Để tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong công tác phát triển Đảng ở  doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã bám sát thực tiễn để triển khai thực hiện; ban hành kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở quan tâm công tác phát triển Đảng. Đảng bộ Khối đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" trong công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp - Ảnh 7.

Mới đây, Đảng bộ Khối đã tổ chức chương trình tuyên truyền vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và khám, cấp phát thuốc, tặng quà cho công nhân lao động thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh. Sau khi được tuyên truyền, vận động,  đa số công nhân lao động đã nhận thức rõ:doanh nghiệp cần có tổ chức Đảng, để sớm được tiếp cận những chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, những chính sách của Nhà nước chăm lo cho người lao động, qua đó gắn kết chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Đỗ Hồng Quang, Phó Bí thư Đảng bộ khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Việc xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng về cả chính trị và kinh tế. Đây được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tạo "đường dẫn" đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cần tiếp tục lãnh chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển Đảng trong doanh nghiệp. Việc phát huy vai trò, vị trí của tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp cũng nhằm mục tiêu vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì sự phát triển kinh tế xã hội của quê hương, đất nước.

Nguồn: Chuyên mục xây dựng Đảng ngày 9.12