Nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh cúm lây sang người

Theo thông tin từ Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho virut cúm gia cầm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người nếu chính quyền địa phương, người dân không nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Tại chợ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, trung bình mỗi ngày có trên 2 tạ ngan, gà, vịt được nhập vào. Không chỉ buôn bán gia cầm sống, tại chợ còn có 3 quầy giết mổ gia cầm. Vì nguồn hàng được nhập từ các xã trong huyện và các huyện lân cận nên nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh vào chợ rất cao. Do đó, ban quản lý chợ thực hiện nghiêm công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ, đưa sản phẩm gia cầm vào chợ. Đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, ban quản lý chợ cương quyết không cho mang vào, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm và từ gia cầm sang người. 

Nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh cúm lây sang người - Ảnh 2.

Ông Mai Công Trung - Phó Ban quản lý chợ Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Công Trung - Phó Ban quản lý chợ Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Sau khi giết mổ, ban quản lý có phun các thuốc khử trùng hàng ngày khu giết mổ, chúng tôi phải làm, quán triệt, ngày nào cũng phải phun. Để nó đảm bảo an toàn thực phẩm…..

Bệnh cúm gia cầm A/H5N8 không chỉ làm chết gia cầm mà còn lây lan sang người. Nguồn lây nhiễm cúm gia cầm ở người do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc gia cầm nhiễm bệnh. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở y tế, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, nhất là tại khu vực có gia cầm bị ốm chết, những vùng có nguy cơ cao. 

Nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh cúm lây sang người - Ảnh 3.

Đồng thời, tăng cường giám sát dịch cúm trên gia cầm trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch khi mới phát sinh. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, khi có biểu hiện như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh cúm lây sang người - Ảnh 4.

Ông Hàn Văn Huyên - Phó chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hàn Văn Huyên - Phó chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Để phòng tránh được dịch cúm gia cầm lây sang người, chúng tôi xây dựng kế hoạch, đảm bảo tiêu độc khử trùng đối với vùng nuôi, tuyên truyền cho bà con nhân dân tránh khi có dịch xảy ra không đưa gia cầm có dịch đi tiêu thụ"

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chưa có trường hợp nào bị lây nhiễm từ cúm gia cầm sang người. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, lơ là phòng chống dịch. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không giấu bệnh, không vứt gia cầm ra môi trường, kênh mương, làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, đảm bảo thực hành các biện pháp phòng bệnh cá nhân để ngăn ngừa lây nhiễm từ cúm gia cầm sang người./.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 20/11/2022