Neo giữ nét xưa: hò sông Mã

16:32 - 27/01/2023

Nhắc đến xứ Thanh, hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến những điệu Hò Sông Mã hào sảng mà rất đỗi tâm tình, mộc mạc và chất phác. Được hình thành từ trong lao động, sản xuất nên Hò Sông Mã mang nét đẹp của lao động, luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Thanh Hóa.

"Hò Sông Mã" là một trong nhiều tiết mục đặc sắc được Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng và biểu diễn tại Chương trình Dân ca, Dân vũ Xứ Thanh 2022 với chủ đề "Giai điệu Xứ Thanh". Chương trình nằm trong Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030" của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào đầu năm 2022.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 2.

Cùng với Hò Sông Mã, trong chương trình Dân ca, Dân vũ "Giai điệu Xứ Thanh" do Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng và công chiếu trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 còn có nhiều làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc khác của quê Thanh.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 3.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tại 17/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 663 di sản văn hóa phi vật thể (529 di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại, 76 di sản bị mai một và 58 di sản đã mai một) trong đó các loại hình dân ca dân vũ chiếm số lượng lớn, gồm có: dân ca, dân vũ trong sinh hoạt thường nhật (hò lao động; hát giao duyên; hát ru; hát chèo…) và dân ca, dân vũ lễ nghi, tín ngưỡng, phong tục (Ngũ trò Viên Khê, trò Xuân Phả, diễn xướng múa đèn, diễn xướng chèo chải, diễn xướng hầu đồng, hát múa nghi lễ thờ cúng của dân tộc Mông, hát múa nghi lễ thờ cúng của dân tộc Mường). Các làn điệu dân ca, dân vũ xứ Thanh được kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 4.

Với những đặc sắc, tiêu biểu ấy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có một số di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò diễn Pồn Pôông (Ngọc Lặc), lễ hội trò Chiềng (Yên Định), lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh), dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn), xường giao duyên của người Mường (Ngọc Lặc). Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong giai đoạn hội nhập và phát triển sâu rộng như hiện nay.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 5.

Thực hiện Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030" đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào đầu năm 2022, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tổ chức dàn dựng và trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của các vùng, miền trong tỉnh, với mong muốn mang lại sức sống mới cho dân ca, dân vũ xứ Thanh; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân, quảng bá về sắc thái văn hóa du lịch xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Và trong chương trình "Giai điệu Xứ Thanh", những điệu dân ca, dân vũ đặc sắc được Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng công phu, chứa đựng nhiều tâm huyết của các nghệ sĩ, diễn viên, với mong muốn đem đến một chương trình nghệ thuật ấn tượng phục vụ khán giả truyền hình trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 6.

Dân ca, dân vũ xứ Thanh là nguồn lực văn hóa, bộ phận cấu thành nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực tạo ra sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, bảo vệ bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ theo hướng đảm bảo tăng cường sự trao truyền di sản liên tục giữa các thế hệ thành viên trong cộng đồng; phát huy vai trò của các nghệ nhân, những người thực hành dân ca, dân vũ và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sáng tạo, lưu truyền, phố biến giá trị dân ca, dân vũ.

NSƯT Vương Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn

Là tiếng hát, điệu múa được sinh ra từ trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất, dân ca, dân vũ Xứ Thanh mang bản sắc của mỗi vùng miền, dân tộc, địa phương trên quê hương Thanh Hóa.

Trải qua thời gian bồi đắp và phát triển, đến hôm nay dân ca dân vũ không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là đặc điểm "nhận dạng" văn hóa xứ Thanh.

Neo giữ nét xưa: hò sông Mã - Ảnh 8.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành văn hóa cùng sự chung tay của các nghệ sĩ, diễn viên và tất cả chúng ta, trong thời gian tới, dân ca, dân vũ Xứ Thanh không chỉ được bảo tồn, phục dựng mà còn được truyền bá rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân. Để rồi những lời hát, điệu múa dân gian ấy sẽ neo mãi trong tâm thức mỗi người dân xứ Thanh như một nét văn hóa đẹp, một giá trị tinh thần bền vững, qua đó nhân lên sức mạnh đoàn kết cộng đồng để vượt qua gian khó, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa xã hội, 20/1