Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng

20:00 - 24/02/2024

Cứ vào dịp đầu xuân năm mới, đồng bào các dân tộc trong và ngoài huyện Cẩm Thủy lại nô nức tham gia trẩy hội chùa Rồng tại xã Cẩm Thạch. Lễ hội chùa Rồng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế và các nghĩa sĩ trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc Minh, giành độc lập tự do cho dân tộc vào nửa đầu thế kỷ 15. Đây cũng là dịp để người dân và du khách thập phương hòa mình vào không khí vui tươi, rộng ràng, giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc huyện Cẩm Thủy.

Tương truyền, thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào thế kỉ 15, trước thế mạnh của giặc Minh, Bình Định Vương Lê Lợi phải cho quân lính rút về miền Tây xứ Thanh, chọn Thung Phổ làm căn cứ kháng chiến. Ông đã chọn hang Rồng làm nơi ẩn náu bí mật để rèn tướng, luyện binh.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 1.

Ngày nay, để tưởng nhớ công đức của Thái Tổ Cao Hoàng Đế và nghĩa sĩ, nhân dân xã Cẩm Thạch đã lập đền thời và tổ chức lễ hội chùa Rồng từ ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch. Linh thiêng và đặc sắc nhất trong phần lễ đó là tục rước kiệu vua. Đi đầu đoàn rước kiệu là đội cồng chiêng séc bùa, sau kiệu là đoàn tấu nhạc rộn vang núi rừng.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 2.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 3.

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Đoàn rước kiệu từ chùa Rồng đi vòng quanh làng khoảng 2 km, trên kiệu tượng là Đức Thái Tổ. Lễ rước kiệu linh thiêng là điểm nhấn trong lễ hội chùa Rồng".

Tham gia lễ hội chùa Rồng, đồng bào các dân tộc và đông đảo du khách thập phương được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng với nhiều trò chơi, trò diễn văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc huyện Cẩm Thủy như biểu diễn cồng chiêng, hát xường, nhảy sạp, đi cà kheo, bắn nỏ…vv. Đặc biệt, trong lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã tái hiện lại văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường thông qua việc giã gạo, giã ngô để làm các loại bánh trái, xôi ngũ sắc. Du khách được trực tiếp tham gia vào công đoạn chế biến và thưởng thức những món ăn đặc sắc mang hương vị núi rừng.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 4.

Chị Bùi Thị Thanh, Du khách đến từ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Tôi đến tham gia lễ hội chùa Rồng thấy không khí rất sôi động, được trải nghiệm nhiều trò chợi trò diễn giàu bản sắc văn hóa. Tôi còn được thưởng thứa nhiều món ngon và mua các đặc sản về làm quà cho người thân".

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 5.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Lễ hội đền Rồng nhằm tưởng nhớ công đức của anh hùng dân tộc lê Lợi và nghĩa sĩ. Lễ hội còn là cơ hội để địa phương giới thiệu bản sắc văn hóa đến người dân và du khách thập phương".

Lễ hội chùa Rồng được tổ chức trong những ngày đầu xuân năm mới nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Đây cũng là dịp để xã Cẩm Thạch nói riêng và huyện Cẩm Thủy nói chung quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch đến với du khách thập phương.

Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội chùa Rồng- Ảnh 7.

 

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV