Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Trong những năm qua, các thầy, cô giáo tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng trau dồi, rèn luyện theo lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa". Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Những năm qua, đội ngũ nhà giáo tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp "trồng người", thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp; tận tuỵ với công việc trên tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu". Đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng luôn nêu cao tinh thần tự học và sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trường THCS Quảng Lưu, huyện Quảng Xương đã lựa chọn khâu đột phá là thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", đổi mới giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Nhà trường có 24 cán bộ, giáo viên, trong đó có 19 đảng viên. Ngay từ đầu các năm học, nhà trường cho cán bộ, giáo viên và đảng viên đăng ký việc làm theo Bác. Gắn việc học Bác với việc xây dựng trường học đạt chuẩn chất lượng và trường học thân thiện, học sinh tích cực. Bên cạnh đó, trường THCS Quảng Lưu còn thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng thông qua các cuộc họp thường kỳ, họp chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, giờ chào cờ, hoạt động ngoại khóa. Lồng ghép việc học tập Bác vào các tiết học, như: tiếng Việt, đạo đức, lịch sử… 

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người - Ảnh 2.

Thầy giáo Trần Văn Thơm, Giáo viên trường THCS Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Trần Văn Thơm, Giáo viên trường THCS Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Bản thân tôi là một giáo viên đứng lớp, tôi luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác. Từ việc làm nhỏ nhất và thông qua những việc làm đó chúng tôi áp dụng vào việc giảng dạy của mình được tốt hơn".

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra cho đội ngũ giáo viên phải đổi mới giáo dục, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Với việc được trao quyền tự chủ cao hơn, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có năng lực tổng hợp chứ không chỉ là yêu cầu của môn giảng dạy. Để thích ứng yêu cầu của chương trình mới, đội ngũ giáo viên đã chủ động tìm hiểu và nắm vững, các yêu cầu mới; tăng cường trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và nâng cao khả năng tự học, tự bồi dưỡng, cập nhật các phương pháp, kỹ thuật dạy học đáp ứng yêu cầu mới.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người - Ảnh 3.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người - Ảnh 4.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Nhà trường đã phát động trong cán bộ, giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông".

Do tính chất đặc thù của hoạt động giáo dục, trong quá trình dạy học, ngoài việc truyền thụ kiến thức, thầy co giáo còn có vai trò quan trọng giúp học sinh hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp. Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức", các nhà giáo nêu nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, với đồng nghiệp.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người - Ảnh 5.

Đối với trường tiểu học Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc "Biết" và "Học tập" mà thiết thực hơn là biến tư tưởng thành hành động, là phải "Làm theo". Bởi vậy, nhà trường đã xây dựng nề nếp học tập của học sinh và công tác giảng dạy của nhà trường một cách khoa học, có kế hoạch rõ ràng. Bên cạnh đó, nhà trường sắp xếp thiết kế chương trình giảng dạy, cải tiến phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức, vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm truyền thụ đến học sinh phù hợp với tình hình thực tế của từng lớp. Trong công tác chuyên môn bản thân mỗi giáo viên đều có ý thức tự rèn luyện để nâng cao chất lượng cho bộ môn của mình dạy, nghiên cứu các loại sách tham khảo để tìm ra một số phương pháp mới, nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh trong học tập. Năm học 2020- 2021, trường tiểu học Hoằng Đạo có 3 tập thể Tổ và 20 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua "Hai tốt" được nhà trường tuyên dương - khen thưởng nhân rộng điển hình tiên tiến.

Kế thừa và phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân" và đề ra 9 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ về "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo" nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.

Nguồn: Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ngày 22.10.2022