Nga: Khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu

07:23 - 24/03/2023

Hội nghị khoa học và thực tiễn về biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu được tổ chức tại thành phố Yakutsk của Cộng hòa Sakha thuộc Nga đã khai mạc ngày 22/3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trong nhiệm kỳ Nga giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực 2021-2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoảng 500 chuyên gia là đại diện các tổ chức khoa học, khoa học-giáo dục Nga ở Moskva và quốc tế bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia Hội nghị.

Theo kế hoạch, các phiên thảo luận và hội nghị bàn tròn tại Hội nghị sẽ được tổ chức nhằm xây dựng các giải pháp thực tiễn và khoa học chung để nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia nhận định rằng, Bắc Cực sẽ nóng lên nhanh gấp 2-3 lần so với phần còn lại của thế giới càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thêm vào đó, tình trạng tan băng vĩnh cửu sẽ tác động tới tính toàn vẹn của toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện đại của Nga, quốc gia có một phần lớn lãnh thổ nằm trên lớp băng vĩnh cửu.

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu nhân đạo và Vấn đề của các dân dộc thiểu số phương Bắc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Biến đổi khí hậu làm giảm số lượng đồng cỏ trên đường chăn thả. Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu gây úng cho các khu vực trũng thấp, đặc biệt là ở vùng Bắc cực. Một số hiện tượng thời tiết diễn biến rất nhanh, và những yếu tố biến đổi khí hậu này gây khó khăn cho người dân sinh sống

Trong khi đó, ông Takir Balykbaev, Giám đốc Trung tâm Sông băng khu vực Trung Á dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) dự báo các sông băng ở khu vực Trung Á sẽ tan chảy hoàn toàn vào cuối thế kỷ này. Ông Balykbaev lưu ý, hiện vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến Kazakhstan mà ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Trung Á. Vì vậy, các vấn đề về an ninh nguồn nước sẽ được đề cập tại hội nghị.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 24/3. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 24/3