Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân: Tích cực cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP

16:51 - 20/07/2023

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đã tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và phát triển đối với các sản phẩm OCOP, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn.

Gia đình anh Lữ Đăng Hùng, thôn 3 Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và phát triển đối với các sản phẩm OCOP, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống của Ngân hàng chính sách huyện Thọ Xuân. Nhờ số tiền vay hơn 100 triệu đồng của Ngân hàng, gia đình đã chuyển hướng từ đóng các sản phẩm mộc truyền thống như: giường, tủ sang sản xuất tất cả các mặt hàng nội thất, từ giường, tủ, bàn ghế đến kệ, đồ thờ,... Hiện tại, cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh đang tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với tiền công trung bình là 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ mọi chi phí, gia đình anh thu về được khoảng 300 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân: Tích cực cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Không chỉ gia đình anh Lữ Đăng Hùng, mà nhiều gia đình làm nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, của Huyện uỷ, Hội đồng Nhân dân, UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo toàn diện hoạt động chính sách theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện. Hiện nay Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đang triển khai cho vay 09 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đến nay đạt 609 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân: Tích cực cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ngay từ những ngay đầu năm 2023, UBND huyện đã chuyển nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, với số tiền 1,5 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ủy thác từ huyện sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay là 6,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ủy thác địa phương, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ngoài tập trung cho vay hộ nghèo sinh sống trên sông, đã tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với các sản phẩm OCOP; phát triển nghề mộc dân dụng Thuận Minh, đan nón lá Thọ Lộc, miến và kẹo lạc Phú Xuân, bánh gai Tứ trụ, bánh răng bừa Xuân Lập… Trong đó, riêng sản phẩm OCOP, toàn huyện đã có 11 hộ được vay vốn chính sách. Đến nay, các hộ đang phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho Nhân dân trên địa bàn huyện.

Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong việc duy trì, phát triển nghề, các làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP cũng như công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân: Tích cực cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập trung tham mưu cho UBND huyện xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung tại Kế hoạch số 128 ngày 22/5/2023 của Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội tại Thanh Hóa đến năm 2030. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và các chương trình tín dụng đặc thù tại địa phương, giải ngân kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn đủ điều kiện đảm bảo theo quy định.

Với mục tiêu, tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do đơn vị cung cấp, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thọ Xuân đã và đang góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Nguồn: Chuyên mục Trang địa phương 20/07/2023