Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới

Do những biến động của tình hình thế giới, các doanh nghiệp ngành may mặc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực không ngừng để duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, vận tải tăng, những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày ở Thanh Hóa bị giảm đơn hàng so với các năm trước. Nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, giữ chân  khách hàng truyền thống;  hay chủ động linh hoạt tìm kiếm các đơn hàng, thị trường mới… là những giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp triển khai nhằm vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất.

Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới - Ảnh 2.

Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH South Asia Garments limited

Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH South Asia Garments limited cho biết: "Hiện tại các đơn hàng của chúng tôi đang xuất khẩu sangg các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, thêm cả Nhật Bản. Trước tình hình thiếu đơn hàng như hiện nay thì chúng tôi đang hướng đến thị trường Hàn Quốc và nội địa để duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và giữ chân người lao động."

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 190 doanh nghiệp may mặc, tạo việc làm cho 75.000 lao động. Qua thống kê, có khoảng 25 doanh nghiệp giảm sử dụng hơn 5.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động thuộc ngành dệt may - giày da chiếm 99,33%. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may, thời gian qua, Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa đã liên tục tổ chức tọa đàm kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững và tồn tại để phát triển sau này.

Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới - Ảnh 4.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Chúng tôi dự kiến còn khó khăn đến hết tháng 6, thậm chí hết năm. Các doanh nghiệp đang sẵn sàng khai thác hàng nội địa, tập trung may sản phẩm cạnh tranh bán ngay trong nước, kỳ vọng bổ sung thêm phần thiếu hụt trong giai đoạn khó khăn; cùng với doanh nghiệp tìm thị trường mới như Ấn Độ, Nga, những thị trường trước nay rất ít của tỉnh Thanh Hóa."

Ngành dệt may nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới - Ảnh 5.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới ngay trong các thị trường truyền thống cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới nhằm linh hoạt nắm bắt thông tin thị trường để thích ứng. Mục tiêu ngắn hạn của các doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hoá là có đơn hàng để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, chờ cơ hội phục hồi trở lại của nền kinh tế.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại 16/02/2023