Ngành dệt may Thanh Hóa ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất

17:48 - 13/03/2023

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện nay, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ để bắt nhịp xu hướng và mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh. Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp dệt may đã và đang từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.

Nếu trước đây, việc trải vải thủ công đòi hỏi phải mất 5 lao động, nhưng từ khi Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh, huyện Quảng Xương đầu tư máy trải vải tự động, việc trải vải chỉ cần 2 công nhân, thời gian trải vải nhanh hơn gấp ba lần so với quá trình rải thủ công. Không chỉ góp phần tăng năng suất, giảm nhân công trong việc trải vải, máy trải vải tự động có thể trải nhiều loại vải có kích thước lớn, độ chính xác chất lượng cao hơn trong quá trình trải. 

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh huyện Quảng Xương, hiện có 450 công nhân với 10 chuyền may, chủ yếu gia công hàng xuất Hàn Quốc, Mỹ. Ngoài việc đầu tư máy trải vải tự động, máy may tự động... và nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại khác, qua đó góp phần giảm nhân công trong từng khâu, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.  

Ngành dệt may Thanh Hóa ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất - Ảnh 2.

Tập đoàn Tiên Sơn có 3 nhà máy may gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại thị xã Bỉm Sơn, Yên Định, Thạch Thành, với trên 2.000 công nhân. Hiện đơn vị đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tập đoàn Tiên Sơn đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại cho các công đoạn sản xuất như: máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền,máy kiểm tra vải, máy tời vải…. Bên cạnh đó, Tập đoàn luôn quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ thuật. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm tạo ra giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất được chất lượng sản phẩm, năm 2022 Tập đoàn Tiên Sơn đạt doanh thu 950 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 87 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 90 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, ngành công nghiệp dệt may Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với tổng số 286 doanh nghiệp. Hiện có khoảng 75% các doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, từng bước tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: Sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng... Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường. 

Ngành dệt may Thanh Hóa ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất - Ảnh 3.

Với mục tiêu liên kết, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may, kết nối, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy các thành viên bắt nhịp chuyển đổi số, Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa đã và đang tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác, giúp các doanh nghiệp tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất với nhau. 

Mặc dù các doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tuy nhiên việc ứng dụng Khoa học công nghệ là thách thức không dễ đối với các doanh nghiệp dệt may, bởi có tới 70% doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn lực để tiếp cận, triển khai và sử dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi đó kinh phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa lại cao. Do vậy, ngoài việc nỗ lực của các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, cơ chế khuyến khích của các ngành trong việc ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất trong kinh doanh.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 10/03/2023