Ngành Giáo dục thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số

09:53 - 26/03/2023

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn triển khai thực hiện chuyển đổi số, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy và học trong các trường học trên địa bàn, nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng và sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm học 2022 – 2023, Trường tiểu học Quảng Hưng lựa chọn công trình "Xây dựng thư viện xanh, sạch, đẹp, thân thiện", ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phục vụ. Theo đó, thư viện nhà trường đã cài đặt phần mềm quản lý, máy in, phương tiện nghe nhìn, tạo thuận lợi trong việc tra cứu tài nguyên thông tin, kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Ngành Giáo dục thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bên cạnh cách đọc truyền thống, nhà trường còn trang bị cho thư viện các máy tính kết nối mạng internet, giúp giáo viên và  học sinh được tra cứu thông tin nhanh chóng, tiện lợi hơn. Do vậy, hiện nay, 100% giáo viên và học sinh của nhà trường đến đọc sách, được tham gia các hoạt động tại thư viện. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, cán bộ thư viện Trường Tiểu học Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa cho biết: "So với thư viện truyền thống, rõ ràng thư viện điện tử có nhiều lợi thế và lợi ích đối với bạn đọc, nhất là học sinh tiểu học, truy cập vào thư viện bất cứ lúc nào, ở đâu, giúp quản lý tài liệu tốt, tránh thất thoát, dễ dàng bổ sung, giúp tiết kiệm được không gian, diện tích lưu trữ và quan trọng nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi được tiếp cận với thông tin rất hứng thú".

Ngành Giáo dục thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 3.

Thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đến nay, 100% nhà trường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã có mạng LAN, máy tính kết nối internet băng thông rộng. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh đã khởi tạo tài khoản ký số cho 100% trường học và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn. Năm học 2022 – 2023, 100% nhà trường sử dụng song song 2 loại hồ sơ giấy và điện tử, 82% sử dụng phần mềm Vnedu để điều hành công việc, 80% sử dụng sổ liên lạc điện tử, 65% sử dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp. Bên cạnh đó, các trường đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sẵn sàng dạy trực tuyến khi có yêu cầu; ứng dụng các phần mềm thông minh như thẻ điểm danh, tích hợp thanh toán học phí qua VNPTpay, cài đặt ứng dụng vnEdu, vnEdu Connect, Teacher.

Ngành Giáo dục thành phố Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 4.

Các trang truyền thông của ngành và các cơ sở giáo dục bước đầu đáp ứng được nhu cầu cập nhật thông tin của phụ huynh và người dân, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, biểu dương người tốt, việc tốt, khích lệ đội ngũ giáo viên và học sinh trau dồi đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ông Lê Thành Đồng, Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cho biết: "Phòng tiếp tục chỉ đạo, triển khai đến nhà trường các văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng trong giảng dạy, quản lý học sinh, trang thiết bị. Tích cực tham mưu đầu tư kinh phí cho các nhà trường, nhà trường tiết kiệm ngân sách, và xã hội hóa, bản thân cán bộ giáo viên phải tích cực tự học, tự nâng cao trình độ, tham gia tập huấn".

Năm 2023, ngành Giáo dục và đào tạo thành phố Thanh Hóa đặt mục tiêu 100% hồ sơ tài liệu chuyên môn nghiệp vụ được số hóa, 70% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giáo dục và đào tạo được cung cấp ở mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của thành phố; 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Qua đó góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số của ngành giáo dục, đào tạo Thanh Hóa và từng bước đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 26.3.2023