Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

22:23 - 24/01/2024

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm (2021 – 2025). Với chủ đề hành động của UBND tỉnh năm 2023 là:“Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và phương châm hành động “Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - linh hoạt - hiệu quả”. Năm 2023 ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đó là: hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Năm 2023, Sở Khoa học và công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 28 Quyết định để cụ hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về Khoa học và Công nghệ vào thực tiễn của tỉnh. Ngoài ra, còn tham gia và góp ý cho hơn 650 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch của các cơ quan trong tỉnh và Trung ương.

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong năm 2023, ngành Khoa học và Công nghệ quản lý 123 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 17 nhiệm vụ cấp quốc gia, 106 nhiệm vụ cấp tỉnh; tổ chức nghiệm thu 26 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và công nghệ cũng đã tổng hợp, rà soát đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2023 do các tổ chức, cá nhân đề xuất báo cáo Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh trình và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 43 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đến nay, đã đánh giá nghiệm thu 31 nhiệm vụ khoa học công nghệ; kiểm tra, xác nhận khối lượng 38 nhiệm vụ. Sở Khoa học và công nghệ đã tham mưu và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí cho 65 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Nhìn chung, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đều tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y dược, du lịch... Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp nhiều công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được nghiên cứu và thử nghiệm; các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng đã và đang phục vụ thiết thực cho sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhiều loại giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã được đưa vào ứng dụng. Tiêu biểu như kỹ thuật canh tác thủy canh, canh tác trong hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với công nghệ thâm canh cao; ứng dụng công nghệ sinh học phân tử. Ứng dụng hệ thống tự động hóa, bán tự động hóa và cơ giới hóa trong chăn nuôi công nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Điều này được minh chứng rõ khi mà tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Có thể nói thời gian vừa qua, từ kết quả nghiên cứu Khoa học, Viện tập trung chuyển giao đưa được những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống. Điển hình như đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển sản xuất giống theo công nghệ nuôi tế bào để chúng ta có nguồn giống đồng đều về chất lượng. Hiện Viện cũng đã có hàng chục loại giống để sẵn sàng chuyển giao theo nhu cầu của thị trường. Trên lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi, Viện tạo ra được những giống năng suất, chất lượng như giống lợn siêu nạc, giống bò năng suất cao".

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 3.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tất cả các thành tựu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong ngành nông nghiệp đã có tác động tích cực. Thứ 1, là đảm bảo năng suất, sản lượng hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Thứ 2, là xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, từ sản xuất cho đến chế biến và tiêu thụ bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Chính nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nó góp phần quan trọng, tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua luôn luôn đạt tốt độ 3% cho đến 3,6% mỗi năm".

Trên lĩnh vực y tế nhiều thành tựu y học hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh thuộc top đầu cả nước về lĩnh vực y tế. Năm 2023, Thanh Hoá đã đưa trên 114 kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh tại các bệnh viện. Song song với việc làm chủ các kỹ thuật cao và kỹ thuật chuyên sâu, các đơn vị y tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, mang lại nhiều dịch vụ y tế hiện đại, tiên tiến để người dân được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 4.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 5.

Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y Thanh Hoá

Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y Thanh Hoá chia sẻ: "Đối với các đề tài cấp tỉnh tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh, cũng như đổi mới sáng tạo, các sáng kiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của ngành y tế. Ngành y tế cũng xác định nghiên cứu khoa học là 1 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó sẽ tiến hành tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ trong toàn ngành. Thứ 2, ngành y tế cũng là cầu nối kêu gọi các chuyên gia ở nước ngoài cũng như các chuyên gia các bệnh viện tuyến trung ương tham gia cùng nghiên cứu khoa học".

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao thành công đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp tục được tăng cường, an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.

Trong năm 2023, Sở Khoa học và công nghệ đã lãnh đạo, chỉ đạo tham gia 107 lượt văn bản góp ý, thẩm định về công nghệ cho các dự án đầu tư trong giai đoạn chủ trương đầu tư. Việc tổ chức tham gia cho ý kiến, thẩm định cho ý kiến về công nghệ đã góp phần giúp các nhà đầu tư lựa chọn và đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp đảm bảo các quy định của pháp luật.

Công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Thanh Hóa được thực hiện thường xuyên, liên tục và đúng quy định. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai hướng dẫn 125 tổ chức, cá nhân về quyền Sở hữu trí tuệ; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ trì triển khai các dự án thuộc thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa. Năm 2023, Thanh Hóa có 3 sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu tập thể, đó là nhãn hiệu tập thể "Cải làng Lê" cho sản phẩm rau cải của huyện Yên Định; Nhãn hiệu tập thể "Dưa hấu Mai Am Tiêm" cho sản phẩm dưa hấu của huyện Nga Sơn và nhãn hiệu tập thể "Bưởi Bắc Lương huyện Thọ Xuân.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 6.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 7.

Ông Lê Đình Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lương huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Đình Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lương huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Vừa qua, địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu bưởi Bắc Lương. Đây là điều kiện, cơ hội để địa phương mở rộng, quảng bá sản phẩm ra thị trường toàn quốc và thế giới. Để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng bưởi, thời gian tới địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để Nhân dân ứng dụng vào chăm sóc cây bưởi, nâng cao giá trị thu nhập cho bà con".

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 đơn vị và 1 chi nhánh doanh nghiệp Khoa học và công nghệ (đứng thứ 5 của cả nước, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hải phòng, Quảng Ninh).

Huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh trong 3 năm 2021-2023 đạt 845.296 triệu đồng, gấp 3,35 lần nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi, các giải thưởng sáng tạo Khoa học và công nghệ. Năm 2023, ngành Khoa học và công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức xét tặng Giải thưởng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh lần thứ 2, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thanh Hoá lần thứ 13. Qua đó, khuyến khích các nhà khoa học không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo các công trình khoa học và công nghệ, có khả năng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 8.

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 9.

Ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa

Ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, Trong thời gian tới, Sở khoa học công nghệ tăng cường phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, và các viện nghiên cứu, cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tập trung xây dựng và hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ trong các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để các nhà khoa học có điều kiện, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo cao thành lập phòng nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ sản xuất. Đẩy mạnh thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ có điều kiện, tiếp cận đăng ký triển khai các đề tài dự án khoa học công nghệ để xây dựng thành các sản phẩm, có tính chất chuỗi giá tri. Phối hợp các cơ quan đơn vị tổ chức tốt tôn vinh các nhà khoa học có nhiều nghiên cứu…".

Ngành khoa học công nghệ tập trung giải pháp đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 10.

Với những kết quả đã đạt được, Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021-2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng GRDP đạt trên 40%. Để đạt mục tiêu trên, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tạo nên những đột phá mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa "Đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại" .

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 22/01/2024